Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính.
Một trong những điểm nổi bật là Bộ Tài chính muốn chuyển đổi mô hình Cục Thanh tra – Kiểm tra thuế thành Thanh tra Tổng cục Thuế.
Theo Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm về mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn đang diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng; cùng với đó là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng diễn ra ngày càng tinh vi, với số thuế chiếm đoạt từ ngân sách nhà nước rất lớn, điển hình như: vụ việc mua bán hóa đơn xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tỉnh Quảng Ninh, vụ việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của Thủ Đức House…
Cùng với việc thủ tục hành chính về thuế ngày càng trở nên đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, các đối tượng đã lợi dụng những lỗ hổng về chính sách, về quy trình quản lý để thực hiện các hành vi vi phạm hết sức tinh vi, trong thời gian rất ngắn.
“Theo đó, yêu cầu đặt ra là cơ quan thuế phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong môi trường điện tử và hệ thống thông tin được sử dụng rộng rãi như hiện nay”, Bộ Tài chính lập luận.
Tại Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg, để tăng cường tính chủ động tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kiện toàn Vụ Thanh tra – Kiểm tra thuế sang mô hình Cục Thanh tra – Kiểm tra thuế. Việc thay đổi mô hình nêu trên đã bước đầu tạo thuận lợi cho ngành thuế thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thuế.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng: Với mô hình Cục thực hiện chức năng tham mưu cho Tổng cục (cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành), một số thẩm quyền liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra vẫn bị hạn chế như: Cục trưởng không có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, không có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Ngày 14/11/2022, Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 đã được Quốc hội thông qua. Luật gồm 8 chương với 118 điều quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, trong đó quy định cho phép thành lập Thanh tra Tổng cục.
Thanh tra Tổng cục có Chánh Thanh tra, thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Tổng cục. Lãnh đạo Thanh tra Tổng cục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan; được quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo Bộ Tài chính, với mô hình và chức năng nhiệm vụ độc lập nêu trên, Thanh tra Tổng cục Thuế sẽ có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thuế đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đáp ứng đầy đủ cơ sở pháp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan quản lý thuế.
Số lượng công chức làm công tác thanh tra – kiểm tra thuế thuộc hệ thống thuế là gần 10.000 cán bộ, công chức (chưa tính bộ phận kiểm tra tại các chi cục thuế). Về tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính dự kiến tổ chức Thanh tra Tổng cục Thuế gồm 7 phòng gồm: (1) Phòng Tổng hợp; (2) Phòng Thanh tra – Kiểm tra giá chuyển nhượng; (3) Phòng Thanh tra – Kiểm tra thuế số 01; (4) Phòng Thanh tra – Kiểm tra thuế số 02; (5) Phòng Xử lý sau thanh tra; (6) Phòng Thanh tra – Kiểm tra giải quyết tố cáo và Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (7) Phòng giải quyết khiếu nại và giám sát thanh tra, kiểm tra. |