Với hơn 1,93 tỷ tín đồ, đạo Hồi hiện là tôn giáo lớn thứ 2 trên thế giới. Đáng chú ý, số lượng tín đồ Hồi giáo đang gia tăng khá nhanh trong những năm gần đây. Vì thế, thị trường hàng hoá, dịch vụ dành cho người theo đạo Hồi (theo tiêu chuẩn Halal) có quy mô rất lớn và đang tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác được khu vực thị trường tiềm năng này.
Gian hàng thực phẩm theo tiêu chuẩn halal tham gia Triển lãm Halal Quốc tế 2023 ở Malaysia. Ảnh: Hằng Linh-TTXVN
Thị trường đầy tiềm năng
Theo các chuyên gia, thị trường tiêu chuẩn Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức chi tiêu và sự đa dạng về mặt hàng.
Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết nền kinh tế Hồi giáo đang có tiềm năng vô cùng to lớn trên quy mô toàn cầu. Trong năm 2021, chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal (không bao gồm nền tài chính Hồi giáo) đã đạt mức 2.000 tỷ USD.
Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo Toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 2.800 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, chi tiêu cho thực phẩm Halal đã có sự tăng trưởng 6,9% kể cả trong dịch COVID-19, từ 1.190 tỷ USD lên 1.270 tỷ USD vào năm 2022, và được dự đoán sẽ đạt mức 1.670 tỷ USD vào năm 2025.
Theo ông Agustaviano Sofjan, ngoài thực phẩm các lĩnh vực đời sống khác của Halal, bao gồm thời trang khiêm tốn (modest fashion), dược phẩm – mỹ phẩm, dịch vụ du lịch Hồi giáo và truyền thông – giải trí, cũng có những tiềm năng đáng kể. Lĩnh vực tài chính Hồi giáo đã phát triển và đạt mức 3.600 tỷ USD (năm 2021) và vẫn đang có nhu cầu mở rộng hơn nữa.
“Halal không còn đơn thuần là tiêu chuẩn dành riêng cho người theo đạo Hồi mà đang dần trở thành một tiêu chuẩn mới về bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng, quốc gia không theo đạo Hồi quan tâm và lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Halal”, ông Agustaviano Sofjan nhấn mạnh.
Nói về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá, dịch vụ Halal, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho rằng Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, lại có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Riêng đối với thị trường Halal Indonesia, ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Consultech, nhận định Việt Nam có nhiều thuận lợi khi thâm nhập thị trường Halal Indonesia khi đã xuất khẩu nông sản sơ chế và sau chế biến, thuỷ sản, gia vị sang nước sở tại; có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia hồi giáo. Việt Nam hiện cũng đã có cộng đồng hồi giáo tập trung ở An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Cần có giải pháp để khai thác thị trường Halal
Bà Cao Thị Phi Vân cho biết, mặc dù dư địa thị trường và lợi thế cũng rất lớn nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng.
Nước yến sào Khánh Hoà Sanest đạt tiêu chuẩn Halal. Ảnh Vũ Sinh – TTXVN
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó Brunei là 143 triệu USD, Indonesia là 10,18 tỷ USD, Malaysia là 9,31 tỷ USD, Singapore là 6,7 tỷ USD. Đây là những con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường này.
Đến nay, Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal – một con số rất thấp so với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, có tới 40% số địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu đạt chứng nhận Halal, hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal. Hạn chế của Việt Nam là không có nhiều doanh nghiệp hiểu biết rõ về Halal, việc cấp chứng nhận Halal còn khó khăn, để được cấp chứng nhận Halal doanh nghiệp cần đầu tư nhiều chi phí.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, nhận định sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu lương thực thực phẩm ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách nhóm từ 20 – 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.
Theo bà Lý Kim Chi, thách thức đến từ khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng, đức tin tôn giáo. Doanh nghiệp muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo, ví dụ gạo được phép, còn thịt heo thì không được phép. Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền. Việc loại bỏ một thành phần không phải Halal sẽ không làm cho sản phẩm trở thành Halal trở lại.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc sở hữu giấy chứng nhận Halal. Theo ông Lê Châu Hải Vũ, giấy chứng nhận Halal tại Indonesia được coi như giấy thông hành vào thị trường này. Khi không có chứng nhận Halal dù tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, bán hàng trực tiếp, các nhà nhập khẩu cũng không thể bán hàng vào siêu thị, bán lẻ hay nhập khẩu nguyên liệu thô từ Việt Nam.
Trong khi đó, giấy chứng nhận Halal hiện nay lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.
Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Halal, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, xây dựng hệ thống và đăng ký chứng nhận Halal cho thị trường phù hợp định hướng phát triển; xây dựng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn Halal cho thị trường đích; quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm, tăng cường kết nối giao thương.
Riêng đối với thị trường Halal của Indonesia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động xin chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI; tham gia thị trường thương mại điện tử Indonesia; tận dụng kênh Việt kiều và doanh nghiệp Việt Nam tại Indonesia.
Theo ông Phạm Thế Cường, trường hợp cơ quan chức năng nước sở tại khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam để có giải pháp ứng phó hữu hiệu.
Ông Phạm Thế Cường cũng lưu ý doanh nghiệp tỉnh táo trước các hiện trạng lừa đảo, tranh chấp thương mại; trong đó, doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy đối tác đàm phán giá cả, hợp đồng một cách nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau. Ngoài ra, tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân; điều khoản hợp đồng cần chẽ, đặc biệt phải có điều khoản xử lý tranh chấp, khiếu nại./.
Vũ Hoa