Theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ này được xác định là trung tâm kinh tế biển của quốc gia vào năm 2030. Các chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi đối với một tỉnh có tiềm năng kinh tế biển phong phú như Kiên Giang.
Một góc đô thị thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN
Trung tâm kinh tế biển của quốc gia
Vào đầu tháng 11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, mục tiêu tổng quát là “đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia. Các thành phố Rạch Giá-Hà Tiên-Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản”.
Quy hoạch cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân (theo giá so sánh năm 2010) đạt 7%/năm; Tỷ trọng khu vực nông-lâm-thuỷ sản chiếm 29,6%, công nghiệp-xây dựng chiếm 24,7% (trong đó, công nghiệp chiếm khoảng 15,0%), dịch vụ chiếm 41,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,6% trong cơ cấu kinh tế tỉnh; GRDP bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng, tương đương 4.985 USD; Tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 2% theo chuẩn hiện hành.
Giai đoạn sau năm 2030, Kiên Giang sẽ thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logictics cảng biển, đô thị-dịch vụ-du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp-chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thủy sản và Cảng hàng không Rạch Giá. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu vực cửa khẩu Giang Thành.
Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2050, Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển – đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
Tính khả thi cao
Phát biểu tại hội nghị của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hồi cuối tháng 3/2023, đa số các đại biểu đều nhận định quy hoạch tỉnh Kiên Giang đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; phân tích, xây dựng dựa trên một hệ thống thông tin, dữ liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển.
Một góc đô thị thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh Lê Huy Hải – TTXVN
Các chuyên gia cũng cho rằng bản quy hoạch có nội dung thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của vùng, từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Kiên Giang trong thời kỳ quy hoạch. Bản quy hoạch đưa ra mục tiêu khá tham vọng nhưng có tính khả thi, nhất là khi Kiên Giang có rất nhiều tiềm năng về kinh tế biển.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Kiên Giang có đường bờ biển dài trên 200km, vùng biển rộng hơn 63 nghìn km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, 2 cửa khẩu và 2 sân bay.
Hiện nay, Kiên Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ hai ở Nam Bộ (sau Bình Phước). Tỉnh cũng là một trong số ít địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vừa có đồng bằng, rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo; nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc; có lợi thế, tiềm năng phát triển cả nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2018, Kiên Giang là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 11 về số dân, xếp thứ 19 về GRDP, xếp thứ 31 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 39 về tốc độ tăng trưởng GRDP.
Trong thời gian tới, Quy hoạch sẽ là công cụ quan trọng để Kiên Giang hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững./.
Việt Thắng