Máy bay vũ trụ tuyệt mật X-37B bay trên tên lửa Falcon Heavy từ Florida, bắt đầu nhiệm vụ thứ 7 ở quỹ đạo cao hơn so với 6 nhiệm vụ trước.
Máy bay vũ trụ tự động X-37B của quân đội Mỹ cất cánh trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX từ Trung tâm vũ trụ Kennedy (KSC) của NASA ở Florida vào 20h07 ngày 28/12 theo giờ địa phương (7h07 ngày 29/12 giờ Hà Nội) sau nhiều tuần trì hoãn. Hai nỗ lực phóng máy bay tuyệt mật X-37B của SpaceX hồi đầu tháng phải hủy bỏ do thời tiết xấu và vấn đề thiết bị trên mặt đất, theo Space.
Buổi phóng hôm 28/12 đánh dấu lần cất cánh thứ 7 của X-37B tính đến nay và chuyến bay đầu tiên trên tên lửa Falcon Heavy, tên lửa mạnh thứ hai trên thế giới hiện nay (sau Hệ thống phóng không gian của NASA). Đây là lần phóng tên lửa thứ 95 của SpaceX trong năm 2023 và lần phóng tiếp theo diễn ra chỉ sau vài giờ khi tên lửa Falcon 9 chở 23 vệ tinh Starlink từ Trạm Cape của Lực lượng không gian Mỹ. Nhiệm vụ mới của X-37B có tên OTV-7 (Orbital Test Vehicle-7) hay còn gọi là USSF-52, sẽ tận dụng sức mạnh của tên lửa đẩy. Những mục tiêu chính của chuyến bay bao gồm “vận hành máy bay vũ trụ tái sử dụng ở quỹ đạo mới”.
Falcon Heavy bao gồm ba tầng đẩy đầu tiên của tên lửa Falcon 9 ghép lại với nhau. Động cơ đẩy trung tâm nằm ở tầng thứ hai với khoang chở hàng ở trên cùng. Ba tầng đẩy đầu tiên của Falcon Heavy có thể tái sử dụng. Lần này, hai tầng đẩy ngoài cùng quay trở lại hạ cánh an toàn tại trạm Cape Canaveral nằm cạnh KSC khoảng 8,5 phút sau khi phóng. Đây là lần phóng và hạ cánh thứ 5 của hai tầng đẩy. Riêng tầng đẩy trung tâm của tên lửa Falcon Heavy bay lần đầu tiên và duy nhất. Nó rơi xuống Đại Tây Dương sau khi phóng, dùng quá nhiều nhiên liệu để quay trở lại Trái Đất cho hoạt động thu hồi và tái sử dụng.
X-37B trông giống tàu con thoi đã ngừng hoạt động của NASA nhưng nhỏ hơn nhiều. Phương tiện không người lái chỉ dài 8,8 m với sải cánh 4,6 m. Ngược lại, mỗi tàu con thoi dài 37 m và có sải cánh hơn 24 m. Lực lượng không gian Mỹ sở hữu hai phương tiện X-37B, cả hai đều do Boeing chế tạo. Các máy bay vũ trụ chủ yếu được sử dụng như nơi thử nghiệm trên quỹ đạo, cho phép quân đội xem xét cách thiết bị vận hành trong môi trường không gian. Tuy nhiên, chi tiết về các nhiệm vụ X-37B từ kế hoạch bay tới thiết bị chính đều được giữ bí mật. Ví dụ, lực lượng không gian Mỹ chỉ nói chung chung về các mục tiêu của OTV-7 như mở rộng hiểu biết về thí nghiệm trong không gian với những công nghệ tương lai.
X-37B cũng chở một số thiết bị dân sự như thí nghiệm Seeds-2 của NASA. Seeds-2 sẽ để hạt giống cây trồng tiếp xúc với môi trường bức xạ khắc nghiệt của chuyến bay dài ngày. Dự án sẽ dựa trên thành công của các thí nghiệm trước đây, mở đường cho nhiệm vụ có người lái trong tương lai.
Nhà chức trách Mỹ không tiết lộ nhiệm vụ OTV-7 sẽ kéo dài bao lâu. Cả 6 nhiệm vụ trước đây của X-37B đều kéo dài hơn 7 tháng mỗi lần, bay ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, chỉ cách mặt đất vài trăm kilomet. Falcon Heavy đưa X-37B lên cao hơn nhiều, có thể tới quỹ đạo địa đồng bộ ở độ cao 35.000 km. 5 chuyến bay đầu tiên của X-37B cất cánh trên tên lửa Atlas V của United Launch Alliancc. SpaceX cung cấp dịch vụ phóng cho hai nhiệm vụ gần đây là OTV-6 bay trên tên lửa Falcon 9 và OTV-7 bay trên tên lửa Falcon Heavy.
An Khang (Theo Space)