Trong bối cảnh phải đối mặt với không ít thách thức, cả bên trong lẫn bên ngoài, ngành logistics Việt Nam cần phải sớm chuyển mình để đáp ứng các yêu cầu mới của quá trình hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn logistics với khu vực châu Âu – châu Mỹ 2023 do Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hôm 21/12, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức và khó đoán định với mức tăng trưởng thấp hơn 2023.
Để vượt qua các khó khăn và thách thức này, ông Tạ Hoàng Linh đề nghị các doanh nghiệp logistics trong nước cần tối ưu hoá chi phí cũng như thời gian vận chuyển hàng hoá, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Tạ Hoàng Linh, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững.
Cùng chung quan điểm đó, ông Chandler So cho biết thị trường châu Âu và châu Mỹ đang ngày càng chú trọng tới các yếu tố bền vững cũng như vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Do đó, các doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng điều chỉnh quy trình vận hành chuỗi theo hướng xanh hơn, thân thiện hơn, bền vững hơn nhằm duy trì tính cạnh tranh lâu dài.
Bên cạnh đó, ông Chandler So cũng khuyến nghị các doanh nghiệp logistics Việt Nam sang châu Âu và châu Mỹ nên xem xét các sắc thái văn hóa, sở thích thị trường và các quy định của địa phương để đáp ứng mong đợi của khách hàng một cách hiệu quả.
Một số chuyên gia cũng cho rằng các địa phương cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics (kho bãi và vận chuyển) theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn, đồng thời tăng cường vận tải đa phương thức và phát triển dịch vụ vận tải hàng không air cargo để tăng thời hạn sử dụng cho hàng nông thủy sản xuất khẩu; đầu tư hệ thống nhà kho, kho thông minh kết hợp công nghệ bảo quản hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu giữ kết hợp với đóng gói hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp cần tranh thủ chủ trương, chính sách về liên kết vùng để tạo sự kết nối thực chất về nguồn hàng và hoạt động logistics. Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý với các hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là các hiệp hội logistics, cần tăng cường hợp tác, phối hợp để có thể tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa, giảm chi phí thông qua tối ưu hóa các dịch vụ logistics.
Đối với hệ thống đường sắt, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco, cho rằng Việt Nam cần sớm nâng cấp hệ thống đường sắt theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng kết nối hàng hoá bằng đường sắt trong nội địa cũng như với các thị trường xuất khẩu khác. Đặc biệt, trong bối cảnh xung đột xảy ra nhiều nơi, đường sắt là phương tiện đưa hàng hoá kết nối hiệu quả với khu vực thị trường châu Âu.
“Vận chuyển hàng hoá thông qua tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Á -Âu kết nối giữa Việt Nam – Trung Quốc – các nước Trung Á – Nga – EU là một trong những giải pháp tối ưu hoá chi phí logistics cũng như đảm bảo an toàn chất lượng hàng hoá. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể kết hợp vận chuyển đa phương thức gồm đường biển và đường sắt nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển đến các địa điểm xa hơn.”, ông Nguyễn Xuân Hùng nêu giải pháp.
Về hệ thống cảng biển, ông Trương Nguyên Linh, , Phó Tổng Giám đốc Cảng container Quốc tế Việt Nam (VICT), cho biết tại Cảng Container Quốc tế Việt Nam, việc mở rộng quy mô, diện tích là không thể. Do đó, để tăng hiệu quả vận hành, cách duy nhất là cải tiến hạ tầng nội khu, bao gồm cả sắp xếp lại không gian bãi container, nâng cấp cầu cảng và ứng dụng các công nghệ mới nhất vào quản trị hệ thống nhằm tối ưu hoá hiệu suất hoạt động và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.
Theo ông Trương Nguyên Linh, hiện nay, Cảng Container Quốc tế Việt Nam đã tích hợp công nghệ AI, robot thay thế dần hoạt động thủ công phụ thuộc hoàn toàn vào con người để nâng cao hiệu suất xếp dỡ hàng hoá và kết nối thường xuyên với mạng lưới logistics trong việc điều phối tiếp nhận tàu hàng. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng bên ngoài kết nối vào cảng như mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ, nạo vét các luồng lạch đòi hỏi phải có giải pháp đầu tư đồng bộ hơn từ phía Nhà nước.
Ngoài ra, để phù hợp với xu thế chung của thế giới và yêu cầu phát triển, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số theo chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 ban hành tại Quyết định Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, mới có một số doanh nghiệp logistics lớn đã thực hiện chuyển đổi số từ cấp độ 3 trở lên như Tân Cảng Sài Gòn, các công ty cảng thuộc hệ thống Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Viettel Post, Vietnam Post, Gemadept, và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như DHL, Fedex…/.
Hoàng Hà