Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo rà soát và đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư hiện nay tại Việt Nam cùng với một số khuyến nghị.
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện cho bếp gas của Công ty TNHH Paloma Việt Nam. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp, môi trường kinh doanh quốc tế và đầu tư xuyên biên đang đối mặt với nhiều thách thức. Dòng vốn FDI toàn cầu giảm 4%, và cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Nhiều quốc gia đã thực hiện những động thái mạnh mẽ để thu hút và giữ chân vốn FDI, tạo áp lực và động lực cho Việt Nam cần phải cải cách chính sách khuyến khích đầu tư.
Các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, điện, nước, vốn đầu tư và thuế để thu hút vốn FDI. Các nước này cũng tập trung vào việc xây dựng “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” hoặc hợp tác với các quốc gia để tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nước đang phát triển như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á cũng đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực để cạnh tranh trong việc thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất có chi phí thấp.
Báo cáo nhấn mạnh rằng thuế tối thiểu toàn cầu có ảnh hưởng lớn đến chính sách thuế hiện tại. Việc thay đổi nhanh chóng và phải được thực hiện kịp thời để duy trì sức cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư. Các quốc gia đang lên kế hoạch và triển khai các chính sách để đối phó với thuế tối thiểu toàn cầu, tạo ra một cuộc đua mới về chính sách “hậu thuế tối thiểu”.
Trong bối cảnh này, Việt Nam được khuyến nghị cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, đưa ra các chính sách đa dạng và linh hoạt để đáp ứng các tiêu chí quốc tế. Điều này sẽ giúp đảm bảo thu hút các nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp vệ tinh, đồng thời xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và bền vững.
Theo Ngân hàng Thế giới, quốc gia nên xác định bốn loại đầu tư dựa trên động cơ của nhà đầu tư, bao gồm: (i) Tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên; (ii) Tìm kiếm thị trường; (iii) Tìm kiếm tài sản chiến lược; và (iv) Tìm kiếm hiệu quả. Đồng thời, cần cân nhắc ba yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, bao gồm: an ninh và sự ổn định chính trị, ưu đãi đầu tư, và khả năng dự báo chính sách.
Với Việt Nam, một quốc gia có ưu điểm về an ninh và ổn định chính trị, địa lý thuận lợi cho giao thương và cung ứng, và nền kinh tế mở rộng với 15 Hiệp định Thương mại Tự do có hiệu lực, những đặc điểm này cho phép Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút nhóm Tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn, có khả năng sản xuất và liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu.
Dây chuyền sản xuất yên xe đạp xuất khẩu tại Công ty Pro Active Global Việt Nam ở Bình Dương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
7 khuyến nghị chính sách
Báo cáo đề xuất một số khuyến nghị cụ thể về cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư.
Chính sách ưu đãi đầu tư đột phá: Đề xuất thiết lập các chính sách ưu đãi đầu tư có tính đột phá, tập trung vào những nhà đầu tư chiến lược và dự án chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, bảo vệ môi trường.
Đa dạng hóa chính sách ưu đãi: Nghiên cứu và đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư, không chỉ tập trung vào thuế thu nhập mà còn kết hợp với các ưu đãi chi phí, nhằm thu hút những nhà đầu tư mới và thúc đẩy giá trị gia tăng.
Tính toán đầy đủ chi phí: Khi ban hành chính sách ưu đãi thuế, cần tính toán đầy đủ các chi phí liên quan, đồng thời công bố công khai các báo cáo chi tiêu thuế, tạo ra tài liệu bắt buộc trong quá trình xây dựng ngân sách.
Thực thi chính sách ưu đãi đất đai và hỗ trợ hạ tầng: Tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ hạ tầng cơ bản như điện, nước, và giao thông, giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận điều kiện kinh doanh.
Giải pháp cấp bách về Thuế tối thiểu toàn cầu: Đề xuất giải pháp ngay lập tức để giải quyết vấn đề ảnh hưởng từ Thuế tối thiểu toàn cầu, đặt ra các biện pháp cụ thể hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cải cách ưu đãi đầu tư dài hạn: Đề xuất thực hiện cải cách ưu đãi đầu tư toàn diện và phù hợp với từng nhóm đối tượng, không hoàn toàn loại bỏ ưu đãi theo thu nhập, mà áp dụng song song và xen kẽ để hỗ trợ hiệu quả cho nhóm nhà đầu tư đa dạng.
Cải thiện môi trường kinh doanh: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi, nhằm đảm bảo chúng được thực thi đúng và đầy đủ trên thực tế./.
Hoàng Anh