Trong những năm gần đây, các hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã diễn ra hết sức sôi động. UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, với kim ngạch hai chiều lên tới xấp xỉ 5 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan hệ thương mại giữa hai nước có thể sẽ bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa nếu hai bên ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA).
Ngày càng sôi động
Việt Nam và UAE chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993. Trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-UAE ngày càng phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch. Sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố.
Về chính trị, trong những năm gần đây, các hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước đã diễn ra hết sức sôi động ở nhiều cấp, trong đó đáng chú ý về phía Việt Nam có chuyến thăm UAE của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (tháng 4/2023) và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (tháng 5/2023), và về phía UAE có chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan (tháng 6/2023) và Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi (tháng 6/2023)… Các chuyến thăm này đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Về thương mại, UAE hiện là đối tác lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại những năm gần đây luôn đạt xấp xỉ 5 tỷ USD. Những năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị trên 4 tỷ USD/năm. Đáng chú ý, các nhóm mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị… tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Hiện nay, hai nước đang phấn đấu để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch thương mại trong tương lai gần.
Về đầu tư, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Các nhà đầu tư UAE hiện có 38 dự án đầu tư trực tiếp ở Việt Nam, với tổng số vốn là 71,4 triệu USD (lũy kế đến tháng 10/2023).
Sắp có cú hích mới
Trong chuyến thăm và làm việc tại UAE hồi tháng 4/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán CEPA.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương UAE Thani Bin Ahmed Al Zeyoudi tuyên bố khởi động đàm phán CEPA. Ảnh: TTXVN phát
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, từ khi khởi động đàm phán đến nay, Việt Nam và UAE đã trải qua ba phiên đàm phán về CEPA với các nội dung: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại số, phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm của Chính phủ, các vấn đề về pháp lý – thể chế, hợp tác kinh tế và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Với các nội dung này, CEPA giữa Việt Nam và UAE được đánh giá là một hiệp định toàn diện và hứa hẹn đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và UAE”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết với sự quyết tâm, nỗ lực ở tất cả các cấp của Việt Nam và UAE, hai bên đã đạt được các tiến bộ quan trọng và đã ký biên bản làm việc về gói nội dung kết thúc đàm phán để có thể báo cáo lên lãnh đạo hai bên quyết định.
Theo các chuyên gia, nếu được ký kết, CEPA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Vì thế, CEPA được kỳ vọng sẽ là một “cú hích” mới cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam và UAE.
Các chuyên gia cho rằng CEPA sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang UAE và thúc đẩy đầu tư của UAE vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hiệp định này có thể sẽ giúp mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước sang các lĩnh vực tiềm năng khác như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đầu tư, logistics, công nghệ, du lịch, nông nghiệp…
Lý giải về nhận định trên, các chuyên gia cho biết trong cơ cấu kinh tế của UAE, nông nghiệp chỉ chiếm 0,9% (chủ yếu là chăn nuôi và trồng chà là), công nghiệp chiếm 49,8% (chủ yếu là khai thác và chế biến dầu thô). Vì vậy, UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước về nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại, sản phẩm điện tử…. Trong khi đó, đây là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, UAE có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng nhờ có trữ lượng dầu khí lớn, có ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí phát triển và có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của thế giới. Nếu được ký kết, CEPA sẽ là cơ sở pháp lý để hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, trao đổi về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết UAE nằm ở cửa ngõ giao thương giữa ba châu lục Á-Âu-Phi và là một trong những trung tâm thương mại – tài chính của thế giới. Nhờ có chính sách cởi mở, môi trường kinh doanh thông thoáng, UAE đang trở thành một thị trường trung chuyển quốc tế quan trọng qua đường hàng hải và hàng không.
Vì thế, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cùng với vai trò là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và với vị trí chiến lược là trung tâm tái xuất khẩu hàng đầu trong khu vực, UAE sẽ đóng vai trò là trạm trung chuyển hàng hóa, giúp đưa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực Trung Đông và châu Phi./.
Trọng Kiên