Năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển doanh nghiệp trong nước.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Những cú sốc liên tiếp
Trong hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực tới hầu hết các mặt của đời sống xã hội. Trong khi đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã diễn ra hết sức quyết liệt. Đây là những “cú đòn” nặng nề đối với kinh tế Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình phát triển doanh nghiệp trong nước. Hậu quả là năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới giảm tới 13,4% so với năm 2020, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 18%. Bình quân mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong bối cảnh đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế–xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việc thực hiện các nghị quyết này đã góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhờ vậy, năm 2022, tình hình phát triển doanh nghiệp đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 tăng 27,1% so với năm 2021 và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,8%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2022 tăng 30,3%. Bình quân một tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Mặc dù vậy, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2022 cũng tăng tới 34,3%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 5,5%, và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cũng tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Khó khăn chưa kết thúc
Bước vào năm 2023, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn do hệ quả của dịch COVID-19 và các ảnh hưởng bất lợi từ sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như xung đột quân sự Nga-Ukraine. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình phát triển doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, một điểm sáng trong bức tranh phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam năm 2023 là số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong nước.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy trong tháng 11/2023, cả nước có 14.267 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 153.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 93.700 lao động, giảm 7,6% về số doanh nghiệp, tăng 22% về vốn đăng ký và giảm 28,8% về số lao động so với tháng 10/2023.
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 19,5% về số lượng, tăng 47% về số vốn đăng ký và tăng 26,6% về số lao động. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 là 10,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 32% so với tháng trước và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng, cả nước còn có 6.562 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,6% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có hơn 146.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1,37 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 974.100 lao động, tăng 6% về số doanh nghiệp, giảm 7,9% về vốn đăng ký và tăng 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3,15 triệu tỷ đồng, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp tăng vốn hơn 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 40,1%.
Bên cạnh đó, có gần 55.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 201.500 doanh nghiệp, tăng 3,5%. Bình quân mỗi tháng có 18.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, trong 11 tháng năm 2023, có 1.621 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước; 34.700 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,6%; 109.700 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 7,5%.
Cũng trong tháng 11/2023, có 4.510 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022; có 6.598 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,7% và tăng 29,5%; có 1.443 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,9% và tăng 1,5%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 85.400 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,3%; gần 16.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để hỗ trợ cho doanh nghiệp như tăng cường đầu tư công; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất;… và tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều cải thiện, nhiều khả năng số doanh nghiệp thành lập mới sẽ tiếp tục tăng trong tháng này.
Mặc dù vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia, năm 2024, tình hình thế giới sẽ tiếp tục có những biến động phức tạp và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn ra gay gắt; chủ nghĩa bảo hộ vẫn “lên ngôi” ở nhiều nước, nhất là ở các nền kinh tế phát triển; các điểm nóng quân sự sẽ tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều; các vấn đề an ninh phi truyền thống có thể sẽ diễn biến phức tạp… Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, Chính phủ, bộ ngành và các địa phương cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn và tạo nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế trong các năm sắp tới./.
Khánh Linh