(Dân trí) – Cô Phan Thị Thư – người đạt chứng chỉ cấp cao về sư phạm tiếng Trung – chia sẻ câu chuyện đọc báo, nghe phát thanh của Trung Quốc mỗi ngày đến quên ăn quên ngủ để rèn luyện ngoại ngữ.
Trước khi tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007, Thạc sĩ Phan Thị Thư từng du học tại Trung Quốc năm 2005-2006 theo diện trao đổi. Trải nghiệm một năm sinh sống và học tập tại nước bạn đã mở ra cho cô giáo tiếng Trung những con đường tri thức mới từ văn hóa, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bỏ ăn để dành tiền mua báo, phải nghe đài trước khi đi ngủ
Để đạt được vốn hiểu biết như hiện nay, cô Thư đã từ bỏ bữa sáng của mình, để dành tiền mua báo giấy ở Trung Quốc và dành thời gian nghiền ngẫm trong phòng tự học dành cho sinh viên và du học sinh.
Cô Thư chia sẻ: “Thay vì ăn sáng, tôi lại dùng số tiền đó để mua báo giấy China News (Tin tức Trung Quốc). Tôi dùng bút đánh dấu lại các nội dung chưa hiểu, và lần lượt tra từ điển cho từng nội dung đó, rồi đọc lại cho tới khi cảm thấy mình thật sự đã hiểu thấu đáo toàn bộ nội dung mà bài báo đề cập đến.
Ngoài việc dung nạp kiến thức mới mẻ, tôi còn có thêm những người bạn thân học khoa Văn học của trường – những người bạn luôn giúp tôi giải đáp, giảng nghĩa và từ đó tôi học được không ít những thành ngữ, điển tích, điển cố và say mê hơn nữa văn hóa Trung Quốc. Về sau, những người bạn ấy thân thiết với tôi như người nhà”.
Thạc sĩ Phan Thị Thư, tác giả của nhiều đầu sách dạy tiếng Trung Quốc dành cho học sinh Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Theo cô Thư, cô cũng dành thời gian hàng ngày trước khi đi ngủ để nghe đài phát thanh của Trung Quốc nhằm nâng cao thêm những kỹ năng tiếng Trung khác cho mình. Lý do là bởi, cô cho rằng những phát thanh viên là những người có phát âm chuẩn và hay nhất.
“Học tập trong quá trình làm việc và việc tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân cũng là một hình thức học tập. Một lúc nào đó, nếu điều kiện cho phép, tôi nhất định sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập để nâng cao trình độ của bản thân mặc dù bằng cấp không phải là thước đo duy nhất để nói lên giá trị của một con người”, cô Thư cho hay.
Cô Thư tốt nghiệp Đại học năm 2007, cũng là lúc nhiều tập đoàn nước ngoài rót vốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Foxconn – một xưởng gia công linh kiện điện tử số 1 thế giới, đối tác của Apple trong việc chế tạo, lắp ráp toàn bộ các sản phẩm điện tử của Apple tại Trung Quốc. Cô Thư là một trong những cử nhân trúng tuyển, trở thành nhân sự tiềm năng được cử sang đào tạo và làm việc tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
“Đó là thời gian tôi được tác nghiệp 24/7 với đồng nghiệp, sếp là người Trung Quốc hoặc người nước ngoài làm việc tại tập đoàn của chúng tôi. Tôi được tích lũy dần kinh nghiệm làm việc ở những tập đoàn chuyên nghiệp. Và cũng trong chính thời gian đó, ngoài công việc chuyên môn, tôi còn được giao thêm nhiệm vụ dạy Tiếng Trung Quốc cho các đồng nghiệp từ Việt Nam sang làm việc.
Tôi trở thành MC nữ nước ngoài duy nhất của tập đoàn dẫn chương trình cùng một MC khác người Bắc Kinh, trong hầu hết các sự kiện lớn của tập đoàn. Tôi rất trân quý những cơ hội như vậy, và cũng luôn cố gắng tròn vai nhất có thể khi được giao phó”, cô Thư kể.
Cô đã được cấp chứng chỉ bởi Hiệp hội Nghề nghiệp quốc tế (International Professional Association) của Mỹ tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Không dừng lại ở đó, cô Thư cũng vượt qua kỳ thi Đánh giá năng lực sư phạm tiếng Trung Quốc ở bậc giáo viên tiếng Trung cấp cao (Senior Teaching Chinese Teacher).
Viết sách dạy tiếng Trung cho trẻ em Việt Nam
Với niềm đam mê với sư phạm tiếng Trung, cô Thư đã gác lại công việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để theo đuổi sự nghiệp sư phạm của mình. Cô Thư quyết định trở về Việt Nam để “truyền lửa” môn ngoại ngữ này tới các học sinh trong nước.
“Tôi mong muốn xây dựng một môi trường học tập tiếng Trung bài bản, để các học viên có thể tự tin giao tiếp ngay khi kết thúc chương trình học. Đối với các bạn trẻ bắt đầu học tiếng Trung, cần có môi trường tốt cho các bạn có thể học và thực hành ngôn ngữ này”, cô Thư cho hay.
Từ những giây phút đầu tiên lựa chọn gắn bó với việc viết sách và dạy học, cô Thư luôn dành toàn tâm, toàn ý cho từng sản phẩm mình làm ra.
“Có những đêm, tôi ngủ mơ cũng thấy mình đang chỉnh sửa lại những nội dung trong sách. Vô tình, tôi đã nói ra một câu tiếng Trung và khiến con gái ngủ bên cạnh thức giấc”, cô Thư kể lại.
Đồng hành cùng cô Thư là các thầy cô đến từ Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc – Đại học Quốc gia Hà Nội. Các thầy cô đã dành nhiều ngày làm việc xuyên đêm, ăn tạm bánh mỳ, cùng tranh luận và dành hết tâm huyết từ những yếu tố nhỏ nhất như bìa sách, chi tiết khắc họa nhân vật, màu sắc trong sách,…
Thành quả sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy cô giáo là bộ sách tiếng Trung có tên gọi “IchiLand”, hội tụ đầy đủ những yếu tố văn hóa và ngôn ngữ, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Bộ sách dành cho phân khúc giảng dạy tiếng Trung dành cho thanh thiếu niên Việt Nam.
Bộ sách do cô Thư và những chuyên gia về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cùng nhau biên soạn (Ảnh: NVCC).
Bộ sách được xây dựng dựa trên năng lực tiếp nhận ngôn ngữ, kết hợp với tâm lý trẻ em để xây dựng nên những nhân vật gần gũi trong những tình huống hàng ngày.
“Toàn bộ chương trình học của cuốn sách đều được xây dựng dựa trên tư tưởng nhất quán: học tiếng Trung, dạy tiếng Trung bắt nguồn từ tấm lòng, tâm thế của một người Việt Nam yêu nước sâu sắc”, cô Thư khẳng định.
Chị Đỗ Ái Lâm, người được lựa chọn tặng hoa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, là một trong những người cộng sự luôn đồng hành cùng cô Thư trong những ngày đưa tri thức tiếng Trung đến với trẻ em Việt.
“Trong các buổi họp, đào tạo với chị Thư, tôi cảm nhận được đây là môi trường vừa cho tôi cơ hội học hỏi, vừa có thể giúp tôi phát triển ở các lĩnh vực khác nhau”, chị Lâm chia sẻ.
Dantri.com.vn