Tôi thấy tắm nước nóng giúp dễ ngủ, thư giãn, nhưng liệu tắm lúc đêm muộn khi trời rét có ảnh hưởng sức khỏe? (Tùng, 27 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Vào buổi đêm, cơ thể sẽ giảm chuyển hóa, giảm trương lực cơ, giảm co bóp của cơ tim và mạch máu, đường tiêu hóa để nghỉ ngơi. Việc tắm đêm muộn sẽ làm thay đổi nhịp sinh học bình thường của cơ thể.
Càng về đêm, thời tiết càng lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường và cơ thể lớn. Việc tắm nước nóng, sau đó nước nóng bay hơi càng khiến cơ thể mất nhiệt, dễ bị nhiễm lạnh. Khi mất nhiệt, cơ thể sẽ co mạch để giữ nhiệt, khiến cho huyết áp tăng, mạch máu co thắt. Tắm đêm khiến nhóm bệnh nhân hô hấp mạn tính như viêm phế quản mạn, hen phế quản… dễ trở nặng, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Với da và tóc, tắm đêm với nước nóng làm khô da, tóc dễ rụng, nấm. Tắm đêm có thể khiến tình trạng rối loạn co thắt ở đại tràng tăng lên hoặc gây tăng tiết axit dịch vị, gây đau vùng thượng vị.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên tắm trước 20h. Không tắm đêm hoặc sáng sớm dễ gây đột quỵ, tai biến. Bạn nên tắm từ cổ xuống trước, cho tay và chân làm quen với nước, sau đó mới gội đầu. Thời gian tắm chỉ trong khoảng 10 phút, không nên quá lâu. Nhiệt độ nước không nên quá nóng làm tan lớp dầu, gây khô da và cũng không nên quá lạnh gây co mạch, không tốt cho hệ tuần hoàn. Nhiệt độ hợp lý là khoảng 40 độ.
Sau khi tắm, bạn có thể gội đầu từ 5 đến 7 phút, không nên ngâm quá lâu.
Không tắm khi quá đói, quá no, khi say rượu hay mệt mỏi hoặc vừa ngủ dậy. Không nên tắm ở khu vực quá lạnh, thoáng gió. Nên lau khô người và tóc, mặc quần áo kỹ để giữ ấm cơ thể sau khi tắm. Không tắm ngay khi vận động mạnh khiến thân nhiệt thay đổi đột ngột.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng