Trong bài viết đăng trên mạng xã hội hôm nay 28/12, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov mô tả gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ là “món quà năm mới đẫm máu dành cho Kiev”.
Ông Antonov cáo buộc Mỹ đang đẩy Ukraine “xuống vực thẳm, khiến hàng nghìn dân thường Ukraine thiệt mạng”.
Nhà ngoại giao Nga cảnh báo bất kỳ vũ khí nào do các quốc gia NATO cung cấp cho Ukraine sẽ bị “đốt cháy và phá hủy” và không làm thay đổi tình hình trên thực địa.
Ông Antonov cũng nhấn mạnh thành công gần đây của Nga trong việc giành quyền kiểm soát thành phố Marinka ở Donetsk, một thành trì chiến lược của Ukraine.
Theo ông Antonov, Mỹ có xu hướng phớt lờ những diễn biến như vậy, thay vào đó tập trung vào việc nêu bật “những chiến thắng của Ukraine”.
Chính phủ Mỹ hôm 27/12 công bố gói vũ khí 250 triệu USD cho Ukraine, gói viện trợ cuối cùng trong quỹ khả dụng của Washington.
Gói viện trợ mới bao gồm “đạn dược cho phòng không, các bộ phận khác của hệ thống phòng không, đạn bổ sung cho hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155mm và 105mm, đạn chống thiết giáp và hơn 15 triệu viên đạn bộ binh”.
Tổng thống Joe Biden coi ủng hộ Kiev là một ưu tiên của mình, trong bối cảnh vũ khí và hỗ trợ tài chính của Mỹ đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine trong xung đột với Nga. Ông Biden cảnh báo Nga có thể tấn công quốc gia thành viên NATO sau khi giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Biden, các thành viên của đảng Cộng hòa cánh hữu vẫn chần chừ trong việc viện trợ. Họ từ chối duyệt chi khoản viện trợ mới cho Ukraine nếu đảng Dân chủ không đồng ý siết quy trình chống tình trạng di cư bất hợp pháp qua biên giới phía nam nước Mỹ.
Một tuần trước, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã nói rằng đợt viện trợ quân sự sắp tới của Mỹ sẽ là lần cuối cùng vì Nhà Trắng sẽ hết quỹ có thể sử dụng cho Ukraine.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, nếu phương Tây ngừng viện trợ, Ukraine sẽ mất khả năng ngăn chặn quân đội Nga. ISW nhận định, sự hỗ trợ an ninh của phương Tây đã giúp Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và giành lại một phần lãnh thổ.
Mỹ và các đồng minh liên tục viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, chiến sự kéo dài trong khi cuộc phản công của Ukraine không đạt được đột phá cùng với những biến động trên chính trường đã khiến mức độ sẵn sàng viện trợ của phương Tây giảm dần.
Truyền thông phương Tây gần đây cũng đăng tải luồng ý kiến cho rằng giới chức Mỹ và các đồng minh dường như bắt đầu tính đến kịch bản Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đang nỗ lực tịch thu khối tài sản 300 tỷ USD bị đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh gói viện trợ đề xuất bị bế tắc tại quốc hội.
Mỹ đang gây áp lực lên Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản nhằm tìm hướng hợp thức hóa việc sử dụng khối tài sản bị đóng băng của Nga trước ngày 24/2/2024, tức tròn hai năm kể từ ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.