Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm cho người lao động. Để triển khai thành công mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương đã cùng vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp. Qua đó, tiếp tục tạo ra những bước tiến mới trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động và từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong các ngành kinh tế ở địa phương.
Đồng bộ các giải pháp
Triển khai thực hiện, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai, rà soát, tư vấn, thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện học nghề, tìm kiếm việc làm; vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài…
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu về đào tạo việc làm để các địa phương xây dựng triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ về việc làm. Trong đó, lồng ghép các chính sách tuyển dụng, thu hút lao động, thông tin thị trường lao động, đặc điểm và xu thế của thị trường lao động trong, ngoài nước, các thị trường lao động truyền thống, thị trường lao động mới và các chương trình xuất khẩu lao động… Trên cơ sở đó, các địa phương đều căn cứ kế hoạch để xây dựng, ban hành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm.
Đơn cử như TP Hạ Long, trong năm 2022, thành phố đã thực hiện giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động, trong đó có 4.515 lao động tăng thêm. Năm 2023, TP Hạ Long đặt mục tiêu sẽ thực hiện giải quyết việc làm tăng thêm cho 6.500 lao động. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã thực hiện đẩy mạnh việc hỗ trợ ngành Than thu hút, tuyển sinh lao động; tăng cường hoạt động phối hợp tư vấn, định hướng nghề trong các nhà trường THPT; đào tạo chuyển đổi nghề trong lao động nông thôn nhằm tạo việc làm tăng thêm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Cùng với đó, thành phố cũng tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đầu tư và luôn nắm bắt thông tin nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động để định hướng việc làm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư, phát triển đa dạng kinh tế với các lĩnh vực phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn để tăng cơ hội giải quyết việc làm, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch.
Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm tăng thêm cơ hội làm việc cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hai nhóm đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh thuộc Sở LĐ-TB&XH và 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được cấp phép hoạt động. Các đơn vị có chức năng thực hiện kết nối cung – cầu lao động thông qua công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và thực hiện kết nối định kỳ hàng tháng tại các sàn giao dịch. Đây là những kênh quan trọng, tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động có cơ hội bình đẳng trong tìm kiếm việc làm.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh hiện đang thực hiện các hoạt động với hệ thống sàn giao dịch việc làm tại 4 địa phương là Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả để kết nối hỗ trợ việc làm. Đây là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, KCN, thu hút đông đảo lực lượng lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch việc làm lớn. Trong năm 2022, trung tâm đã tổ chức được 140 sàn giao dịch việc làm định kỳ, giới thiệu việc làm cho 4.670 người lao động. Năm 2023, chỉ tiêu giới thiệu việc làm đặt hàng qua Trung tâm là 4.618 lao động. Tính đến hết quý I, trung tâm đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, thực hiện giới thiệu việc làm cho 999 lao động, đạt gần 25% kế hoạch.
Cùng với đó, hiện nay các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện cũng đang được triển khai đồng bộ với các ngành nghề như: Lái xe, cơ khí, điện, sửa chữa ô tô… tại Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh. Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 780 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an, trong đó số lao động có việc làm sau đào tạo là 665 người, đạt 87,9%. Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã lập dự toán kinh phí dạy nghề cho Trường Cao đẳng Việt – Hàn thực hiện đào tạo đối với 713 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, với số tiền là 12,6 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện giải quyết việc làm cho 39.600 lượt lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.200 lao động. Số người đã được tạo việc làm tăng thêm tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp – xây dựng (55,03%) và thương mại, dịch vụ (44,97%).
Tăng cơ hội việc làm cho người lao động
Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 16 KCN với diện tích trên 17ha. Hiện có 107 dự án đang hoạt động tại các KCN, với 70 dự án FDI và 37 dự án trong nước. Hằng năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sản xuất tại KCN rất lớn. Theo thống kê của Ban Quản lý KKT, riêng năm 2023 nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của doanh nghiệp tại các KCN là 12.980 lao động. Cụ thể như: Jinko Solar Việt Nam cần tuyển 700 lao động; Công ty TNHH Ngân Long cần tuyển mới 1.500 lao động; Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam cần tuyển mới 1.800 lao động; Công ty TNHH Yazaki cần tuyển 1.500 lao động…
Cùng với các KCN, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nhu cầu việc làm có thể lao động tại các ngành nghề khác như: Du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, xây dựng, chế biến chế tạo… Tuy nhiên, dù công tác giải quyết việc làm đã được thực hiện triệt để với các hoạt động hỗ trợ trọng tâm nhưng vẫn gặp phải những tồn tại, hạn chế nhất định do các doanh nghiệp phải cắt giảm một số vị trí việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình giá cả thị trường; hoạt động hỗ trợ người đi lao động tại nước ngoài còn hạn chế…
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, thời gian tới Sở sẽ thực hiện nghiên cứu và xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động của tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp triển khai với các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, tạo việc làm. Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút lao động, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chú trọng việc xúc tiến, quảng bá trong đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho cơ sở đào tạo nghề; tăng cường hiệu quả kết nối, đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc kết nối thông tin thị trường lao động. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho người lao động tham gia tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thực hiện công tác giải quyết việc làm năm 2023, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH rà soát, xây dựng đề án chi tiết để tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc giải quyết việc làm theo mục tiêu đã đề ra trong năm 2023. Trong đó, chỉ rõ được lượng cung – cầu lao động trong năm 2023 tại các địa bàn, khu vực phát triển của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thương mại… và các nhóm đối tượng cần giải quyết việc làm để giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương hoàn thành chỉ tiêu. Đẩy mạnh thực hiện việc thông tin truyền thông và tương tác giữa các doanh nghiệp với người lao động để thúc đẩy thị trường tuyển dụng, tăng cơ hội tạo việc làm cho người lao động và tuyển dụng đối với doanh nghiệp.
Cùng với đó, đồng chí cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan như, Sở Tài chính và Ngân hàng CSXH tăng cường phối hợp, cân đối nguồn vay vốn, giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn tỉnh; Bộ CHQS tỉnh thực hiện xây dựng bộ tài liệu thông tin cơ bản và các tiềm năng lợi thế, cơ chế hỗ trợ, nhu cầu tuyển dụng việc làm của tỉnh Quảng Ninh từng năm, để phát cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các trường đào tạo nghề cho quân nhân sau hoàn thành nghĩa vụ. Ban Quản lý KKT rà soát, tham mưu cho tỉnh làm việc với các đơn vị đầu tư để có các cơ chế đáp ứng về chế độ, chính sách, tiền lương cho người lao động; Sở Du lịch rà soát, báo cáo UBND tỉnh cụ thể nhu cầu lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp du lịch và đề xuất các chính sách đặc thù để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Quảng Ninh đang ngày một phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình kinh tế đa dạng, phong phú. Chính vì vậy, để tận dụng được hết nhu cầu của thị trường, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung – cầu lao động, cải thiện cơ hội tìm kiếm việc làm và duy trì việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển thị trường lao động. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, từ đó góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.