Phát biểu tham luận tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ GTVT sáng ngày 28/12, ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển cơ sở hạ tầng, ngành GTVT Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Theo đó, hiện nay tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng 12,13% trong khi theo quy hoạch yêu cầu phải đạt 20-26%.
Tỉ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt 19,5% trong khi quy hoạch yêu cầu phải đạt 50 – 55%; hàng năm ngân sách thành phố đã dành hơn 60% tổng ngân sách cho lĩnh vực GTVT nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% so với tổng nhu cầu thực tế. Trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông chưa cao (mới đạt 0,35%/năm) không thể thao kịp tốc độ gia tăng phương tiện (từ 4-5%/năm), do đó, tình hình ùn tắc giao thông cục bộ trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đến nay, Hà Nội có 33 điểm ùn tắc giao thông (đầu năm 2023 là 37 điểm, đến nay mới xử lý được 5 điểm và phát sinh thêm 1 điểm mới).
Việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, vận chuyển nhanh được xác định là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra phức tạp, trong đó việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là xương sống của vận tải hành khách công cộng.
Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8 km (trong đó 75,6 km đi ngầm), tổng mức đầu tư dự kiến trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế Hà Nội mới chỉ hoàn thành 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội).
Để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm tới (đến năm 2035) kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ USD (tương đương khoảng 850.000 tỷ đồng).
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, để triển khai thực hiện có hiệu quả, khắc phục tồn tại, vượt qua các khó khăn, thách thức, trong thời gian tới Tp.Hà Nội sẽ tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành: Luật Thủ đô sửa đổi; Rà soát điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sẽ tổ chức triển khai ngay việc lập, trình thẩm định phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch và làm cơ sở cho việc định hướng phát triển ngành.
Cùng đó, khẩn trương nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Tp.Hà Nội để thực hiện Kết luận số 49 ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về việc cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Tp.Hà Nội vào năm 2035.
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý, triển giao thông đô thị (triển khai hệ thống giao thông thông minh); ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn; Xây dựng hệ thống bản đồ số trực tuyến; hệ thống vé thông minh, vé liên thông đa phương thức các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Hà Nội cũng sẽ ban hành Quy chế phối hợp cụ thể giữa các lực lượng chức năng (Cảnh sát giao thông; Thanh tra giao thông, lực lượng giữ gìn TTATGT đô thị) trong việc tổ chức giao thông, đảm bảo ATGT; bố trí chốt trực để phân luồng đảm bảo giao thông, giảm ùn tác giao thông tại 234 nút giao thông có nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đảm bảo đáp ứng tiến độ yêu cầu (trong đó có việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đưa vào khai thác vận hành thương mại đoạn đường sắt đô thị trên cao Nhổn – ga Hà Nội tới đây.
Ngoài ra, cũng tổ chức rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm tập trung để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn đảm bảo tính khả thi. Đối với việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị ưu tiên tập trung đầu tư dứt điểm theo tuyến đảm tính động bộ trên toàn tuyến và đảm bảo đồng bộ trên toàn tuyến, đảm bảo khớp nối với các loại hình vận tải công cộng khác, phát huy hiệu quả đầu tư với các tuyến đang triển khai.
Trước mắt tiếp tục tập trung cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố để đầu tư, bên cạnh đó để đảm bảo có đủ nguồn lực đầu tư cần xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch, kể cả vốn từ ngân sách, vốn vay ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng như ngân hàng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá quyền sử dụng đất đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT…), xã hội hóa đầu tư.
Nghiên cứu, xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù riêng về huy động nguồn lực cho đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có việc triển khai xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD, khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị … để tạo nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng, quản lý khai thác vận hành các tuyến đường sắt đô thị.