Năm nay, kinh tế khó khăn chung, tình hình kinh doanh không mấy khả quan đã khiến thưởng Tết trở thành áp lực không nhỏ với không ít doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để người lao động vui Tết, nhiều DN đã phải hết sức nỗ lực, thậm chí gắng gượng, chắt chiu để có thể có thưởng Tết.
Năm 2023 với hết thảy các doanh nghiệp, là một năm có quá nhiều thách thức: thiếu đơn hàng, thanh khoản kém, xuất khẩu ì ạch… Theo nhiều thống kê, các hệ lụy liên thông với thế giới bắt đầu tác động ngay từ quý 1/2023 qua việc các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Cao điểm có doanh nghiệp giảm 50 – 70% đơn hàng, còn bình quân tùy thời điểm mức sụt giảm rơi vào từ 35 – 40%. Do đó, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động việc làm, đặc biệt tại các khối gia công phụ trợ. Theo dữ liệu của SSI Research, quý III/2023, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm 5% so với cùng kỳ sau khi liên tục ghi nhận mức giảm mạnh hai chữ số trong 3 quý trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tình hình kinh doanh trong quý IV/2023 có dấu hiệu cải thiện, song kết quả kinh doanh tháng 10 và 11 của hầu hết các doanh nghiệp vẫn không khả quan như kỳ vọng. Lãnh đạo một doanh nghiệp từng thốt lên: 2023 là một năm khó khăn, thậm chí khó hơn cả những năm dịch COVID-19 phức tạp, bởi những năm dịch, doanh nghiệp tạm thời đình trệ chứ không “cạn” tiền như năm nay.
Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy, vì thế thưởng Tết với nhiều lãnh đạo DN, đã trở thành nỗi lo khó giấu. Theo ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, trong 1.078 doanh nghiệp gửi báo cáo kế hoạch thưởng Tết năm 2023, có 386 doanh nghiệp (chiếm 35%) thông tin gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động.
Gặp khó, đắn đo, cân nhắc… nhưng theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua nắm bắt sơ bộ, từ rất sớm, phần lớn doanh nghiệp đã có phương án thưởng Tết cho người lao động. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, mặc dù thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động, nhưng với người lao động, mỗi dịp Tết đến đều mong ngóng khoản thưởng này. Bởi lẽ thưởng Tết ngoài giá trị vật chất còn là động viên tinh thần lớn đối với người lao động. Vì thế, với những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động và tăng năng suất làm việc, cho dù là trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, tất cả đều phải chắt chiu, gắng gượng. Như chia sẻ của bà Phạm Thị Hồng Hà – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Sài Gòn Food: “Cuối năm công ty cũng gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đảm bảo công việc cũng như các chính sách, hoạt động chăm lo cho người lao động; sớm công bố thưởng Tết để công nhân yên tâm làm việc”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lâm: “So với năm ngoái, năm nay do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ… ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng thực hiện thưởng Tết theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, có 447 doanh nghiệp (chiếm 41%), ngoài tiền thưởng Tết còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe). Ngoài ra, trong dịp Tết, một số doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và có kế hoạch thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê…” – ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm.
Chia sẻ với báo chí, một người lao động – chị Lê Thị Tâm (38 tuổi) cho biết chị từ Tuyên Quang nhưng sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được 10 năm. Xa quê, nhớ nhung gia đình, chị Tâm có ý định trở về quê hương để ăn Tết Nguyên đán Giáp Thìn từ đầu năm nay. Tuy nhiên theo chị, việc có được trở về quê ăn Tết Nguyên đán 2024 hay không thì còn phụ thuộc vào tình hình tài chính cuối năm như thế nào. Nếu được thanh toán phần lương còn đang thiếu cũng như có một phần thưởng Tết “kha khá” thì chị mới có thể yên tâm hồi hương.
Còn chị Nguyễn Thị Thảo, quê Thanh Hóa, ra Hà Nội thuê nhà ở trọ, làm công nhân sản xuất linh kiện ô tô trong khu công nghiệp Thăng Long. Thời điểm cuối năm, vợ chồng anh chị vẫn gắn bó với công ty và trông mong tiền thưởng Tết. “Làm công ty thu nhập ổn định để mình trang trải cuộc sống. Cả năm chỉ có một lần, mình mong muốn được thưởng Tết cao. Dù chưa có thông tin nhưng vẫn mong có thưởng để công nhân về quê ăn Tết vui vẻ” – chị Thảo chia sẻ.
Những chia sẻ của chị Tâm, chị Thảo cũng là nỗi niềm của không ít người lao động nghèo. Sau 1 năm làm việc vất vả, lương, thưởng Tết luôn là điều người lao động mong chờ. Càng khó khăn, người lao động càng mong ngóng thưởng Tết. Vì thế, dù trong khó khăn bốn bề, nhưng sự gắng gượng, nỗ lực của DN để có thêm từng đồng thưởng Tết cho người lao động, để hết thảy đều có Tết, Tết ấm, Tết vui, cho dù pháp luật không quy định, không bắt buộc, có thể xem là nét văn hóa đáng trọng, đáng mừng thể hiện trách nhiệm, lương tâm của các doanh nghiệp với người lao động.
Trang Thư