Động thái này cho phép Stockholm tiến thêm một bước gần hơn với việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc tham vọng của NATO trong việc thống lĩnh khu vực Bắc Cực sẽ trở thành hiện thực.
Hành trình không dễ dàng của Thụy Điển
Động thái của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12 được cho là tạo thêm một bước tiến đáng kể cho Thụy Điển trên hành trình gia nhập NATO. Tuy nhiên, động thái này mới chỉ là bước đầu bởi còn phải chờ đợi việc gia nhập NATO của Thụy Điển sẽ được đưa ra thảo luận tại đại hội đồng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, cho tới nay, Ankara vẫn chưa ấn định ngày họp.
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng trước đơn gia nhập NATO của Thụy Điển bởi phía Ankara cho rằng, Thụy Điển đã quá “khoan dung” với các nhóm chiến binh, đáng chú ý nhất là Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và chứa chấp những người liên quan đến âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 và rằng, các quan chức Thụy Điển đồng lõa trong các cuộc biểu tình bài Hồi giáo, chẳng hạn như đốt Kinh Koran. Mọi chuyện căng thẳng chỉ trở nên dịu bớt kể từ khi nộp đơn xin làm thành viên NATO, Thụy Điển đã thắt chặt luật chống khủng bố và đồng thuận hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, kể cả khi phía đại hội đồng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nơi liên minh cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chiếm đa số ghế, thông qua việc đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO thì Stockholm vẫn chỉ có thể “đặt một chân” vào liên minh quân sự này. Bởi để có thể trở thành thành viên mới của khối này, Thụy Điển phải có được lá phiếu chấp thuận của Hungary.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này Hungary vẫn chưa khởi động tiến trình bỏ phiếu về tư cách thành viên của Thụy Điển. Mới đây nhất, ngày 25/10/2023, Quốc hội Hungary đã từ chối đề xuất tổ chức bỏ phiếu về nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Lý do của sự từ chối này, theo cáo buộc của Thủ tướng Hungary Viktor Orban là do các chính trị gia Thụy Điển đã nói dối về tình trạng nền dân chủ của Hungary.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, ông Zoltan Kovacs, phát ngôn viên của Thủ tướng Hungary cho biết, tất cả là do Stockholm đã có “thái độ thù địch” với Budapest trong nhiều năm qua, ông lưu ý rằng Thụy Điển trong suốt thời gian qua đã cố gắng dùng biện pháp ngoại giao, và sử dụng tầm ảnh hưởng chính trị của mình để gây ra những hậu quả bất lợi làm tổn hại tới lợi ích Hungary.
Hành trình gia nhập NATO của Thụy Điển thực sự là hành trình không dễ dàng. Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022 cùng với Phần Lan sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra nhưng cho tới nay, mọi sự vẫn chưa tới kết quả cuối cùng bởi vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tham vọng lớn của NATO
Nếu Thụy Điển nóng lòng 1 thì có lẽ phía NATO nóng lòng gấp 9,10 lần với tiến trình gia nhập khối của Stockholm. Bởi theo nhận định của tờ Washington Post, Thụy Điển nếu gia nhập sẽ mang lại sự bổ sung lực lượng đáng kể cho NATO bởi Thụy Điển là quốc gia có hải quân mạnh mẽ, lại có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự mình sản xuất máy bay chiến đấu. Mới đây, chính Thụy Điển cũng muốn chứng tỏ cho NATO và cả thế giới biết rằng họ có thể đóng góp cho NATO chứ không chỉ hưởng lợi từ tư cách thành viên này thông qua cuộc diễn tập quân sự lớn hồi tháng 5/2023.
“Chúng tôi không tìm cách gia nhập NATO chỉ để bảo vệ chính mình, chúng tôi còn có nhiều thứ đóng góp. Thụy Điển có thể giúp đảm bảo an ninh cho những nước khác, đó là một tín hiệu quan trọng mà chúng tôi đang gửi đi hôm nay” – Thủ tướng Ulf Kristersson nhấn mạnh. Theo hé lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson: “Luật quốc phòng mà chúng tôi thông qua vào năm 2020 đã đề xuất tăng ngân sách đáng kể cho tất cả các quân binh chủng: lục quân, hải quân và không quân. Và sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, chúng tôi đã đẩy mạnh đầu tư”.
Bên cạnh đó, do Thụy Điển cùng với Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía bắc của biển Baltic, vì thế việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO. Một chi tiết không kém phần quan trọng nữa là việc Thụy Điển còn sở hữu đảo Gotland, với chu vi lên tới 175km ngay chính giữa biển Baltic. Theo các chuyên gia, trong trường hợp xảy ra xung đột ở Bắc Âu, đảo Gotland của Thụy Điển được mô tả là “tàu sân bay không thể chìm”. Cùng với đó, hạm đội tàu ngầm ở biển Baltic và hàng trăm máy bay chiến đấu Jas Gripen cũng là thứ NATO thèm muốn.
Chưa hết, cùng với Phần Lan, Thụy Điển đang là thành viên của Hội đồng Bắc Cực – tổ chức giám sát khu vực này (Nga, Mỹ và Canada cũng đang là thành viên của hội đồng trên) vì thế, nếu được kết nạp, Thụy Điển sẽ giúp NATO tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực. Về điều này, theo chuyên gia Lipunov, việc Thụy Điển gia nhập khối sẽ có tác động gián tiếp đến Bắc Cực, đáng chú ý nhất là vùng biển Barents – Bắc Cực liền kề, nơi hoạt động quân sự và căng thẳng sẽ gia tăng.
Theo ông Lipuno, đến nay NATO đã có một lập trường kín đáo về vấn đề hiện diện và các hoạt động ở Bắc Cực với các hoạt động chính tập trung vào các vùng biển lân cận của Bắc Đại Tây Dương, có tầm quan trọng sống còn đối với tổ chức này. Tuy nhiên, về lâu dài, NATO có thể xem xét lại cách tiếp cận của mình, bao gồm cả sau khi mở rộng sang Thụy Điển.
Cũng chính vì sở hữu nhiều điểm lợi mà Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, việc Stockholm gia nhập NATO có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden từng chia sẻ: “Mong được chào đón Thủ tướng Ulf Kristersson và Thụy Điển với tư cách đồng minh NATO thứ 32”.
Vấn đề còn lại chỉ là chờ đợi.
Năm 2022, Thụy Điển cùng với Phần Lan xúc tiến các thủ tục gia nhập NATO. Để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn xin gia nhập của hai nước này phải được toàn bộ các nước thành viên liên minh phê chuẩn. Ngày 4/4 vừa qua, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai nước thành viên chưa phê chuẩn Nghị định thư về việc Thụy Điển gia nhập NATO. |
Hà Trang