Cũng vì yêu mến Pù Luông mà tôi đã kết thân với Hải Anh – một dân bản chính hiệu để được “mật báo” mỗi khi tình hình thời tiết đẹp, thuận lợi cho săn mây. Chỉ cần một cú điện báo của Hải Anh là tôi sắp xếp công việc và lên đường ngay. Cách Hà Nội 180km, đi theo đường Hồ Chí Minh với khoảng 4h di chuyển bằng xe máy, tôi đã đến được Pù Luông.
Những ngày đầu đông, Pù Luông đã khá lạnh. Thời gian săn mây đẹp nhất là từ 6 đến 8 giờ sáng, cũng là lúc bình minh lên. Từ homestay, Hải Anh cùng tôi di chuyển qua bản làng còn đang ngon giấc. Chúng tôi dừng chân ở bản Đôn, nơi có view toàn cảnh đỉnh núi Pù Luông cao 1.700m trong mây cũng như có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất.
Mây tan đi nhanh chóng ở bản Đôn. Chúng tôi di chuyển đến bản Kho Mường. Nhiều người nói vui rằng chưa đặt chân đến thung lũng Kho Mường thì chưa được coi là đã đến Pù Luông.
Nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Kho Mường vẫn giữ được nguyên nét hoang sơ vốn có. Nơi đây, có khoảng 60 hộ dân tộc Thái với hơn 200 nhân khẩu sống quây quần bên những ruộng lúa, nương ngô và cách biệt với các bản khác trong vùng.
Cuối bản Kho Mường là hang Dơi, nơi có địa hình nổi bật nhất trong quần thể hang động tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Trong hang Dơi, có những nhũ đá tuổi đời hàng trăm triệu năm với hình thù kì lạ mang nhiều màu sắc khác nhau.
Vì thế, ngoài săn mây ở bản Kho Mường, nếu có thời gian thì bạn nên tìm hiểu đời sống của những cư dân bản địa và khám phá hàng Dơi.