(Dân trí) – Nam sinh Nguyễn Trọng Tính tự hào giới thiệu về dự án “Ngón tay giả bán tự động” với mong muốn giúp đỡ người khuyết tật. Nhờ sản phẩm này, Tính nhận được học bổng Sharing the dream (Chia sẻ giấc mơ).
Nam sinh tự hào giới thiệu “Ngón tay giả bán tự động” tại chương trình học bổng (Ảnh: Quỳnh Anh).
Dự án “Ngón tay giả bán tự động”
Nguyễn Trọng Tính (Cà Mau) là sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học Cần Thơ. Tính là một trong 200 bạn được học bổng Sharing the dream 2023 (Chia sẻ giấc mơ).
“Đây là năm thứ 2 mình được nhận học bổng. Mình cảm thấy tự hào về thành quả bản thân đã cố gắng. Mình thấy học bổng không những hỗ trợ về tài chính mà còn giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình về mặt tinh thần, điều đó mang lại giá trị còn lớn hơn hỗ trợ về tiền bạc”, Tính chia sẻ.
Trong buổi trao học bổng, Tính tự hào khi được giới thiệu về dự án “Ngón tay giả bán tự động” trước mọi người. Tính cho biết, nam sinh cùng các thành viên trong dự án đã dành ra một năm để nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.
“Nhóm mình thấy các sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật ở ngoài thị trường quá đắt nên đã bắt tay cùng các bạn đi tìm ý tưởng. Lúc đầu, chúng mình đã thất bại nhiều lần khi suy nghĩ về những điều xa xôi. Tuy nhiên, chúng mình vẫn không bỏ cuộc”, Tính nói.
Tính cho biết, trong lúc mọi người bí ý tưởng, nhóm phát hiện ra ông của một bạn trong nhóm bị khuyết tật ngón tay. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến thể chất lẫn tinh thần của ông. Vì vậy, nhóm đã quyết định thực hiện dự án ngón tay giả với sản phẩm giá cả thấp giúp nhiều người khuyết tật hơn có thể tiếp cận.
Trọng Tính thấy tự hào khi dự án “Ngón tay giả bán tự động” đã được thuyết trình tại buổi đón tiếp đoàn đại biểu tại Trường Đại học Cần Thơ. Bên cạnh đó, nam sinh còn đạt giải Nhất cuộc thi dự án khởi nghiệp tiềm năng trong học sinh sinh viên Trường Đại học Cần Thơ mở rộng năm 2023, giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp Cà Mau và giải Khuyến khích cuộc thi CiC 2023.
Ngoài ra, Tính còn tham gia một số hoạt động tình nguyện, chương trình hướng tới lợi ích cộng đồng và trở thành đại sứ trong hành trình một năm đồng hành cùng học bổng.
Đi làm phụ giúp gia đình từ năm 11 tuổi
Trọng Tính sinh ra ở vùng biển. Năm 11 tuổi, nam sinh đã bắt đầu đi đánh bắt cá theo cha để phụ giúp gia đình.
“Gia đình mình trước đây rất êm ấm, kinh tế ổn định, mình và em trai không phải lo lắng về vấn đề cơm ăn áo mặc. Tuy nhiên, cách đây hơn một năm, biến cố gia đình xảy ra, cha bị bệnh, mình đã phải vừa học vừa làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hiện tại, mình là trụ cột chính của gia đình. Mẹ mình có sức khỏe không mấy ổn định không thể lao động nặng nhọc. Mình đã làm qua rất nhiều công việc làm thêm như phục vụ, chạy tiệc, làm thu âm cho các phòng thu, nhân viên quảng cáo”, Tính chia sẻ.
Trọng Tính cho biết, trung bình một ngày nam sinh đi làm thêm khoảng 6-8h để tự nuôi mình và gia đình. Thời gian còn lại, Tính để dành cho việc học và tham gia tình nguyện.
Tới nay, Trọng Tính đã giúp đỡ được khoảng hơn 100 mảnh đời bất hạnh. “Mình bắt đầu làm tình nguyện viên từ cuối năm nhất. Lúc mới vào đại học, mình chỉ chú trọng vấn đề làm thêm mà không hoạt động nhiều. Tuy nhiên, khi nhận thấy bản thân có “sức ì”, mình bắt đầu tìm các tổ chức đoàn, hội, chương trình tình nguyện để tham gia.
Lúc đầu, mình tiếp cận các chương trình tình nguyện, từ thiện với tâm thế tham gia cho có, không biết mục đích của việc mình làm. Sau này, mình mới nhận ra ý nghĩ sâu sắc hơn về việc trao đi những giá trị đẹp”, Tính cho hay.
Tính nhận học bổng sinh viên vượt khó. (Ảnh: Quỳnh Anh).
Trọng Tính tâm sự: “Tuy những món quà trao đi chỉ là đồ dùng học tập hay những vật dụng không có giá trị quá lớn nhưng nhìn vào khuôn mặt rạng rỡ, vui mừng của người nhận, mình thấy rất hạnh phúc. Điều mình nhận được trong hành trình tình nguyện viên chính là những câu chuyện, hoàn cảnh từ mọi người.
Những buổi tâm sự giúp mình có động lực để phấn đấu bởi mình cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, mình thấy được hóa ra, còn có nhiều mảnh đời khác bất hạnh, khổ đau hơn mình”.
Có nhiều lúc Tính muốn từ bỏ tất cả vì áp lực, mệt mỏi. Lúc đó, nam sinh thường cho bản thân khoảng lặng để nghỉ ngơi, tự động viên mình, vực dậy và tiến xa hơn.
Cha của Tính chia sẻ: “Từ nhỏ gia đình không phải dạy Tính về kiến thức mà để con tự học. Cái tôi có thể dạy cho con trai tôi là kinh nghiệm sống và cách làm người. Nghèo cho sạch, rách cho thơm, dù mình khó khăn nhưng phải lao động một cách chân chính.
Hơn nữa phải giúp đỡ mọi người xung quanh và những người khó khăn hơn mình bởi “nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì không ai bằng mình”. Bên cạnh đó, gia đình cũng cho Tính tự lập từ nhỏ và chủ động trong tất cả mọi việc”.
Là bạn trẻ nhiệt huyết với công việc thiện nguyện, Tính cho rằng: “Tuổi trẻ đám khát khao thì dám thực hiện, chấp nhận sự đánh đổi. Không có cái gì mình có thể đạt được mà không phải đánh đổi. Muốn tạo giá trị cho mọi người, chúng ta sẽ phải bỏ ra thời gian công sức đôi khi là tiền bạc nhưng ta sẽ nhận lại được giá trị to lớn khác”.