Những sai phạm không chỉ là nhắc nhở, rút kinh nghiệm
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra vào ngày 21/12, báo cáo công tác báo chí năm 2023 nêu rõ, trong năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp đẩy mạnh công tác chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra, xử lí sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục, bám sát Kế hoạch số 156 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lí, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan.
Tập trung xử lí nghiêm những sai phạm liên quan đến việc không chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin đối với những vấn đề “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm”; việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, từ đầu năm 2023 đến ngày 15/12/2023, trong lĩnh vực báo chí, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành 3 cuộc thanh tra, 7 cuộc kiểm tra, tổ chức nhiều cuộc làm việc để xem xét, xử lí.
Xử phạt vi phạm hành chính 48 trường hợp với tổng số tiền là 2 tỉ 083,5 đồng, trong đó, có 2 cơ quan báo chí bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí trong thời hạn 03 tháng vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Thu hồi thẻ nhà báo 09 trường hợp do có sai phạm.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, các hành vi vi phạm chủ yếu là: Thông tin sai sự thật – 25 trường hợp với số tiền 296 triệu đồng; Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích – 14 trường hợp với số tiền 563 triệu đồng; Thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép – 12 trường hợp với số tiền 266 triệu đồng,…
Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra trách nhiệm của cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí trực thuộc và lần đầu tiên tiến hành xử phạt cơ quan chủ quản báo chí là Viện Hỗ trợ Pháp lí và Bảo vệ môi trường cơ quan chủ quản của Tạp chí doanh nhân và pháp lý với tổng số tiền 335 triệu đồng; tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động của 02 tạp chí do tồn tại nhiều sai phạm, không bảo đảm điều kiện hoạt động.
“Có thời gian, thậm chí cho đến gần đây câu chuyện mang tính chất xử lý báo chí thường chỉ được hiểu theo hướng đơn giản là nhiệm vụ của Ban Tuyên giao Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong khi đó, vai trò chủ quản của cơ quan báo chí là hết sức quan trọng, văn hoá báo chí và xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí rõ ràng đã được nâng lên một bước. Những lệch lạc, sai phạm bây giờ không chỉ là nhắc nhở, rút kinh nghiệm mà sẽ phải có hình thức xử lý nghiêm túc”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục tiến hành công khai các tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, “báo hoá” mạng xã hội, cập nhật thường xuyên tôn chỉ, mục đích các cơ quan báo chí trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT để các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương cùng tham gia giám sát.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ TT&TT đối với sự tham gia vào cuộc Sở TT&TT địa phương trong công tác chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý vi phạm, giải quyết đơn thư, bên cạnh một số Sở TT&TT hoạt động tích cực, vẫn có không ít Sở còn e dè, chưa thực hiện thẩm quyền trong xử lí vi phạm đối với báo chí, nhất là các cơ quan báo chí ở Trung ương.
Khắc phục tình trạng phóng viên xin gần 200 giấy giới thiệu trong 1 năm
Thời gian qua, một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình “quyền lực” để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo các đại biểu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đã được quan tâm nhưng chưa xử lý được căn cơ, dứt điểm tình trạng những vi phạm khá nhức nhối trong thời gian qua…
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng – Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật nhắc về câu chuyện những năm trước đây, có phóng viên xin gần 200 giấy giới thiệu trong 1 năm, nhưng tổng hợp kết quả làm việc rất ít, không có được những tuyến bài điều tra chống tiêu cực, tham nhũng nào được triển khai từ hàng trăm giấy giới thiệu của phóng viên đó.
Trước thực trạng này, ông Thắng cho biết, báo Bảo vệ pháp luật đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 14 quy chế, quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn đơn vị. Trong đó, ban hành mới Quy chế quản lí các Văn phòng đại diện, Quy chế xuất bản báo in, Quy chế xuất bản Báo điện tử và Quy định về việc chấm nhuận bút trên báo điện tử Bảo vệ pháp luật. Đồng thời, sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng cắt giảm tối đa những chi phí quản lí hành chính, dành ưu tiên để chi trả thù lao cho phóng viên, người lao động, bảo đảm mức thu nhập ổn định.
“Do đó, tình hình đã khác, nhờ có bộ quy chế, quy định chặt chẽ, cụ thể, hoạt động của Báo Bảo vệ pháp luật đã duy trì nguyên tắc “đi báo việc, về báo công”. Hầu hết phóng viên trong 1 năm chỉ lấy khoảng 10 giấy giới thiệu đi cơ sở, nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, trong đó thực hiện tốt các tuyến bài điều tra chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng”, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Về giải pháp, Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, trong tất cả các giải pháp thì giải pháp quan trọng nhất đó là tập thể lãnh đạo phải đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, khát vọng đổi mới và cống hiến. Người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, từng đơn vị phải là đầu tàu gương mẫu. Cơ quan báo chí cần xây dựng bộ quy chế, quy định chặt chẽ, siết chặt kỉ luật, kỉ cương, nhất là quản lí các văn phòng đại diện”.
Đánh giá về công tác thanh tra kiểm tra, xử lí vi phạm trong hoạt động báo chí, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, công tác phối hợp chỉ đạo, quản lí báo chí ở các địa phương giữa Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT, Hội Nhà báo nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, dẫn đến việc theo dõi, xử lí hội viên, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo còn bị động, lúng túng, chưa thực sự hiệu quả.
“Vấn đề mấu chốt giám sát việc gì, kiểm tra cái gì đã được xác định trong văn bản pháp luật và các quy định của Trung ương Hội. Điều đáng quan tâm hiện nay là phải có những giải pháp mang tính đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra giám sát”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.
Hoà Giang