Trong suốt 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ Việt Nam-Vương quốc Anh không ngừng được củng cố và phát triển. Đặc biệt, việc hai nước ký Tuyên bố chung chính thức nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 9/2010 đã mở ra nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác giữa hai nước.
Ngày 11/9/1973, Vương quốc Anh là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Trải qua chiều dài lịch sử, đặc biệt kể từ khi hai nước quyết định nâng quan hệ lên “Đối tác chiến lược” vào năm 2010, quan hệ Việt Nam-Anh đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ đa phương và song phương. Năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ra Tuyên bố chung nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2010-2020) với tầm nhìn hướng tới nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn.
Về chính trị-ngoại giao, Việt Nam và Anh duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao, tăng cường trao đổi và hợp tác ở cấp bộ trưởng và quan chức cấp cao giữa các cơ quan liên quan của chính phủ hai nước, thúc đẩy giao lưu Quốc hội, chính đảng, chính quyền địa phương và nhân dân hai nước. Các chuyến thăm cấp cao được duy trì đều đặn tạo xung lực cho mối quan hệ năng động, tích cực.
Từ năm 2020, dù có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song hai nước vẫn thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, trong đó đáng chú ý về phía Việt Nam có chuyến thăm Vương quốc Anh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 11/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 6/2022); Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III diễn ra tại Vương quốc Anh (tháng 5/2023); và về phía Anh có các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab (tháng 9/2020, tháng 6/2021); Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace (tháng 7/2021); Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma (tháng 2/2022, tháng 8/2022)…
Bên cạnh đó, hai bên cũng tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc (UN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Cùng với chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư đang là điểm sáng và cũng là trụ cột ưu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh. Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam và là nhà đầu tư quan trọng của châu Âu tại Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam-Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Đáng chú ý, việc ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) vào cuối năm 2020 đã giúp kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gần 11% từ năm 2020 đến năm 2021. Năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thương mại song phương Việt Nam-Anh vẫn đạt 6,836 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu sang Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 5,2%; nhập khẩu từ Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,2%.
Các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của Việt Nam sang Anh bao gồm thủy hải sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, thiếc, máy vi tính, điện thoại và linh kiện điện tử…; các sản phẩm nhập khẩu chính từ Anh là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, dược phẩm, hóa chất…
Về đầu tư giữa hai nước, Anh đứng trong top 20 nước hàng đầu có vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/8/2023, Anh có 542 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 4,288 tỷ USD.
Trong hợp tác phát triển, Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam (50 triệu bảng Anh/năm cho giai đoạn 2006-2010), đã hoàn thành Thỏa thuận về Đối tác phát triển (ADP) 10 năm với Việt Nam giai đoạn 2006-2015. Mặc dù từ năm 2016, Anh dừng cung cấp viện trợ phát triển ODA, nhưng Anh vẫn duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các quỹ phát triển như Quỹ Thịnh vượng, Quỹ Newton, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo…
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước cũng phát triển tích cực. Hai bên trao đổi nhiều đoàn quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin; hai bên cử Tùy viên Quốc phòng. Những năm gần đây, Anh thường xuyên có tàu hải quân thăm Việt Nam. Bộ Quốc phòng hai nước đã nâng Đối thoại chính sách quốc phòng thường niên lên cấp Thứ trưởng, duy trì 4 phiên họp, luân phiên tại mỗi nước; thiết lập Nhóm công tác về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực ưu tiên, như về gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc (Anh chuyển giao bệnh viện dã chiến thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan cho Việt Nam)…
Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đã và đang triển khai các hoạt động hợp tác rất tích cực và hiệu quả thông qua các cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và các Quỹ của Anh.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Vương quốc Anh đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiếp cận vaccine và y tế nói chung khi Anh là một trong những nước đi đầu trong nghiên cứu và chế tạo vaccine phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục cũng rất sôi động với sự hiện diện của Hội đồng Anh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và sự ra đời của các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học hai nước. Hơn 12.000 học sinh, sinh viên Việt Nam cũng đang theo học tại các trường của Anh./.
Khánh Dương