Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là chủ quản sẽ khởi công trong năm 2024, gồm cao tốc Dầu Giây – Tân Phú; Chợ Mới – Bắc Kạn; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.
Cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn (Bắc Kạn) dài 28,8 km, điểm đầu kết nối đường Thái Nguyên – Chợ Mới, tại xã Thanh Thịnh, H.Chợ Mới; điểm cuối giao QL3B, kết nối dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Dự án có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22 m, mặt đường rộng 20,5 m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, một số đoạn địa hình thuận lợi có tốc độ 100 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.750 tỉ đồng bằng vốn ngân sách, trong đó chi phí xây dựng hơn 4.140 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 490 tỉ đồng, còn lại chi phí tư vấn, dự phòng.
Cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn sẽ kết nối tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực này.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (Đồng Nai) dài khoảng 60 km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư 8.365 tỉ đồng.
Đây là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200 km, nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây nguyên. Hai dự án thành phần còn lại trên tuyến này là Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương cũng đã được tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư.
Tuyến Dầu Giây – Tân Phú sẽ kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện nay, giúp giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên QL20. Tuyến đường cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ (Cần Thơ) thuộc dự án nâng cấp tuyến đường trục dọc phía tây ĐBSCL từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang). Trong đó, đoạn Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Kiên Giang) có tổng mức đầu tư 750 tỉ đồng. Tuyến đường dài 51,5 km, hiện tại quy mô 4 làn xe, sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn cao tốc.
Đặc biệt, năm 2024 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (Lạng Sơn, Cao Bằng) dài 93 km sẽ khởi công ngày 1.1.2024, giai đoạn một có tổng mức đầu tư 14.300 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Điểm đầu tuyến đường tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, H.Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao QL3, xã Chí Thảo, H.Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Giai đoạn một, cao tốc được thiết kế 80 km/giờ, mặt đường rộng 17 m; đoạn địa hình khó khăn, mặt đường rộng 13,5 m. Trên tuyến bố trí 7 nút giao, 4 trạm dừng nghỉ, 7 trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn 24 năm 10 tháng.
Hiện, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ô tô di chuyển mất 5 – 6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh hoàn thành, nối thông cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng sẽ rút ngắn còn 2,5 – 3 giờ.
Cao tốc Lạng Sơn – cửa khẩu Hữu Nghị, dài 60 km, bao gồm cả tuyến kết nối đến cửa khẩu Tân Thanh, do tỉnh Lạng Sơn làm chủ quản, đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 67 km, do tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chủ quản, đang trình hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài 74 km, do tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chủ quản, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình dài 26 km, do tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, đang lập chủ trương đầu tư.
Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình dài 61 km, đang chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành dài 129 km, do tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản, đang chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cao tốc TP.HCM – Chơn Thành dài 60 km, do tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ quản, chuẩn bị trình chủ trương đầu tư.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 65 km, do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình dài 34 km, do UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan chủ quản, chuẩn bị phê duyệt nghiên cứu khả thi.
Dự án cao tốc Vành đai 4 TP.HCM dài 199 km, gồm 5 dự án độc lập, do 5 địa phương là cơ quan chủ quản. Trong đó dự án qua Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án đang chuẩn bị chủ trương đầu tư. Dự kiến sẽ khởi công đoạn qua tỉnh Bình Dương trước, tiếp đến trên địa bàn các tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP.HCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Thủ Thiêm, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.