Ngày 10/8/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Sau hơn một năm triển khai trong thực tế, Chỉ thị 15-CT/TW đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế, đặc biệt là trong ngành ngoại giao.
Nỗ lực triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW
Trong nỗ lực triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 20/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 để thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW. Trong văn bản này, Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải “tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong đó cần quán triệt ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững, đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả”.
Trong Nghị quyết trên, Chính phủ đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác song phương và đa phương; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm củng cố các động lực tăng trưởng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành, phát triển kinh tế – xã hội; Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Sau đó, nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã lần lượt ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai Chỉ thị 15-CT/TW. Chẳng hạn, hôm 11/9, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022–2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chủ động bám sát những nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 21/NQ-CP, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và những nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động kèm theo Quyết định này; cụ thể hóa các bước triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đối với các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị mình.
Cũng trong văn bản trên, Bộ Tài chính nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực cán bộ thực hiện công tác ngoại giao kinh tế; Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác song phương và đa phương; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030; Đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu.
Về phía địa phương, hôm 21/11, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch số 78-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Trong bản kế hoạch hành động này, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân đối với công tác ngoại giao kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh”.
Kế hoạch hành động cũng liệt kê 7 nhiệm vụ cụ thể mà UBND tỉnh Kon Tum sẽ triển khai trong thời gian tới gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; Củng cố, tăng cường và tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh; Đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm củng cố các động lực tăng trưởng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành; tăng cường phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong triển khai ngoại giao kinh tế; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên lâm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế của tỉnh.
Như vậy, có thể thấy, Chỉ thị 15-CT/TW đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế.
Những chuyển biến tích cực trong ngành ngoại giao
Phát biểu tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 15/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”; Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam.
Nhìn lại gần 3 năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, từ những bài học thực tiễn trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, nhất là chiến dịch ngoại giao văn hóa hết sức thành công, tư duy, nhận thức của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện, các bộ, ngành về vai trò cơ bản, trung tâm của công tác ngoại giao kinh tế đã có những chuyển biến hết sức sâu sắc, đột phá. Những chuyển biến về tư duy đó là động lực thúc đẩy chuyển biến về hành động, quyết liệt, thực chất và hiệu quả trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế được triển khai hết sức quyết liệt ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và bài bản giữa Đại sứ quán với các cơ quan thương vụ, khoa học công nghệ và nông nghiệp-phát triển nông thôn.
“Công tác ngoại giao kinh tế chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. Ngoại giao kinh tế trở thành nội hàm trung tâm xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại các cấp, nhất là cấp cao, góp phần duy trì cục diện hòa bình…, thuận lợi cho phát triển đất nước, tạo dựng được các khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng, cân bằng, tạo ra cơ hội mới, thời cơ mới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định./.
Mai Hương