Trong gần 30 năm kể từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển không ngừng. Đặc biệt, chỉ chưa đầy 10 năm sau khi thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, nhiều người kỳ vọng việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023 sẽ tạo thêm những xung lực mới cho hợp tác thương mại song phương.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Bước tiến dài
Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995. Tuy nhiên, trước đó hơn một năm, vào tháng 2/1994, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Quyết định này đã mở ra một trang mới về hợp tác thương mại giữa hai nước.
Kể từ đó đến nay, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đã liên tục tăng, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức gần 124 tỷ USD vào năm 2022. Đáng chú ý, Hoa Kỳ là thị trường đầu tiên của Việt Nam có trao đổi thương mại hai chiều vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Năm 2023, bất chấp việc thương mại toàn cầu suy giảm do bất ổn địa chính trị và các khó khăn chung của kinh tế thế giới nhưng giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn vượt mốc 100 tỷ USD.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết trong 10 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu là 94,5 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đạt trên 102 tỷ USD.
Hiện tại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Việt Nam luôn có thặng dư trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Năm 2022, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt hơn 116 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 382,9 tỷ USD và Mexico với 130,6 tỷ USD).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng tích cực gồm máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình; giày dép; sản phẩm da, túi, ví, ô dù; nhựa và sản phẩm nhựa; đồ chơi, game và dụng cụ thể thao. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng mạnh là máy bay, thiết bị, phụ tùng; hóa chất; nhựa và sản phẩm nhựa.
Xung lực mới
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hồi giữa tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội. Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh Trí Dũng – TTXVN
Tuyên bố chung có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư”.
Để triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, tại hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các kênh, cả kênh Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, cũng như nâng cấp Hiệp định khung về thương mại và đầu tư, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.
Về phần mình, Tổng thống Biden nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các định hướng và biện pháp triển khai khuôn khổ mới của quan hệ hai nước cũng như các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, trong đó có y tế, an sinh xã hội, năng lượng xanh, công nghệ cao…
Tổng thống Biden cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo nhân lực cho Việt Nam, qua đó từng bước hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn và trở thành mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng tại khu vực, trên thế giới.
Theo Tuyên bố chung, ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.
Giới chuyên gia cho rằng cùng với các quyết tâm chính trị, việc Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo ra xung lực mới cho hợp tác thương mại song phương. Và nếu Hoa Kỳ công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, chắc chắn hợp tác thương mại giữa hai nước sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới./.
Thu Vân