Ngành bán dẫn được so sánh là một loại “dầu’ mới, có thể làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù nằm ngay giữa chuỗi cung ứng sản xuất chip toàn cầu nhưng Malaysia lại chưa thể bứt tốc chỉ vì câu chuyện ‘con gà, quả trứng’ liên quan đến tiền lương.
Intel, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới trong năm 2023 đã thông báo đầu tư 6,8 tỷ USD trong 10 năm để mở rộng hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip ở Malaysia. (Nguồn: Reuters) |
Nước sản xuất chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới
Chất bán dẫn đang nhanh chóng trở thành một loại “dầu” mới và một căn nguyên cho va chạm lợi ích toàn cầu mới. Ngày nay, mọi thứ đòi hỏi sức mạnh máy tính đều được trang bị chip, từ vũ khí đến đồng hồ và ô tô. Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ mới bắt đầu, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc chip bán dẫn được sử dụng nhiều hơn nữa.
Malaysia nằm ngay giữa chuỗi cung ứng sản xuất chip toàn cầu. Lĩnh vực điện và điện tử chiếm khoảng 7% GDP, trong đó riêng thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp điện tử đã chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt tổng giá trị xuất khẩu là 387 tỷ Ringgit (83,5 tỷ USD) vào năm 2022.
Là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới, Malaysia nắm giữ 7% thị phần toàn cầu và đóng góp tới 23% thương mại chất bán dẫn của Mỹ trong năm 2022.
Quốc gia Đông Nam Á này đang chào đón nhiều đầu tư hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn. Quốc gia này có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip cũng như các dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất 13% sản lượng bán dẫn “back-end” toàn cầu (“back-end” dùng để chỉ giai đoạn sau khi các thành phần cơ bản của chip bán dẫn đã được tạo ra thông qua quy trình chế tạo mạch – “front-end”).
Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới (NIMP) 2030 của Malaysia kỳ vọng có thêm nhiều hoạt động “front-end” (chế tạo mạch), như thiết kế mạch tích hợp, chế tạo wafer, sản xuất máy móc và thiết bị bán dẫn.
Những thông báo gần đây về khoản đầu tư của Intel (7 tỷ USD), Infineon (5,5 tỷ USD) và Texas Instruments (3,1 tỷ USD) cho thấy Malaysia có vị thế tốt để mở rộng quy mô và tham gia vào các hoạt động phức tạp hơn.
Khó khăn với Malaysia lúc này là nhiều công ty đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phụ thuộc vào lao động nước ngoài không có chuyên môn và ngại chuyển sang tự động hóa. Ít người tin rằng Malaysia có khả năng sản xuất máy móc tự động ở trình độ như Đức hay Nhật Bản.
Câu chuyện “con gà, quả trứng”
Malaysia chưa đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng thực tế là Malaysia gặp vấn đề về lương chứ không phải vấn đề nhân lực. Nhiều nhân lực lành nghề của Malaysia, chẳng hạn như kỹ sư và kỹ thuật viên lựa chọn làm việc làm ở Singapore, nơi có mức lương cao hơn.
Lương thấp là một vấn đề mang tính hệ thống của nền kinh tế Malaysia, dẫn tới một vòng luẩn quẩn khi thị trường tạo ra việc làm nhưng không có đủ lao động lành nghề. Malaysia là trường hợp hiếm hoi mà mức lương trung bình hàng tháng trong ngành sản xuất (2.205 Ringgit, tương đương 476 USD) thấp hơn mức lương trung bình hàng tháng (2.424 Ringgit, tương đương 523 USD).
Một báo cáo năm 2022 của Hội đồng Kỹ sư Malaysia cho thấy, hơn 1/3 sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật có mức lương khởi điểm dưới 2.000 Ringgit/tháng (432 USD/tháng) tính đến năm 2021 và 90% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật kiếm được chưa tới 3.000 Ringgit/tháng (648 USD/tháng). Đối với một người trưởng thành độc thân ở Kuala Lumpur, số tiền này hầu như không đủ để trang trải cuộc sống.
Thực trạng đó dẫn đến hậu quả là sinh viên Malaysia không muốn theo đuổi chương trình giáo dục đại học toàn thời gian hoặc làm việc trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Cuối năm 2022, tỷ lệ kỹ sư trên dân số của Malaysia là 1:170, thấp hơn mục tiêu mong muốn là 1:100.
Phải thừa nhận rằng đây là vấn đề “con gà và quả trứng”, Malaysia cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục STEM trong các trường phổ thông và đại học cũng như đào tạo kỹ thuật và dạy nghề để chuẩn bị nguồn nhân tài dồi dào hơn. Nhưng quan trọng nhất, Malaysia cần trả lương tốt hơn cho những người lao động có tay nghề cao để giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay trong lĩnh vực này, bao gồm “chảy máu chất xám” và tình trạng thiếu lao động.
Chiến lược NIMP 2030 kỳ vọng mức lương trung bình trong ngành sản xuất tăng gấp đôi từ 2.205 Ringgit/tháng (476 USD/tháng) vào năm 2022 lên 4.510 Ringgit/tháng (974 USD/tháng) vào năm 2030. Bên cạnh những nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị trong các khâu back-end và front-end trong hoạt động sản xuất chất bán dẫn, Malaysia thậm chí có thể còn tham vọng hơn và hướng tới nâng cao hơn nữa mức của lương kỹ sư trong lĩnh vực điện và điện tử.
Năm 2022, Malaysia và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Bản ghi nhớ này đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn nhằm tăng cường hợp tác, minh bạch và tin cậy giữa chính phủ hai nước.
Ngoài việc coi ngành công nghiệp bán dẫn là một khoản đầu tư, các chuyên gia cho rằng, Malaysia nên dần dần xây dựng vai trò lãnh đạo chính sách mạnh mẽ hơn. Với sự hợp tác mạnh mẽ giữa các bên liên quan chính, bao gồm các thực thể trong ngành công nghiệp này, các nhà hoạch định chính sách và chính phủ, Malaysia có thể bắt đầu suy nghĩ một cách chiến lược hơn về ngành công nghiệp quan trọng và thú vị trong tương lai này.