Chấn thương thể thao như rách dây chằng, trật cổ chân là nguyên nhân thường gặp gây tổn thương sụn khớp, tăng nguy cơ thoái hóa khớp sau này dù đã điều trị.
ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, giải thích thêm rằng sụn nằm giữa hai đầu xương của khớp, có chức năng bảo vệ và giảm ma sát trong khớp. Nếu sụn khớp bị tổn thương và mài mòn, các đầu xương cọ xát vào nhau khi người bệnh vận động, gây thoái hóa khớp.
Đứt hoặc rách dây chằng chéo trước là một trong những chấn thương thể thao phổ biến nhất, theo bác sĩ Duy. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây tổn thương sụn, dẫn đến thoái hóa khớp. Người bệnh bị đau trong thời gian dài, giảm khả năng vận động, đối mặt với nguy cơ tàn phế, phải thay khớp sau này.
Bác sĩ Duy dẫn một số nghiên cứu cho thấy khoảng 50% người đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước bị thoái hóa khớp trong vòng 12-14 năm sau đó dù được phẫu thuật, cao gấp ba lần những người không chấn thương. Kể cả tổn thương nhẹ ở dây chằng, không làm người bệnh khó chịu vào thời điểm xảy ra cũng có thể làm hỏng sụn khớp. Ngoài ra, các chấn thương khác dù đã phục hồi nhưng tái phát nhiều vẫn tăng nguy cơ thoái hóa khớp trong tương lai.
Tất cả môn thể thao đều có tác dụng tăng cường sức khỏe tổng thể, duy trì cân nặng lành mạnh, từ đó làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Bác sĩ Duy lưu ý cách giảm nguy cơ gặp chấn thương khi chơi thể thao dưới đây.
Chọn môn thể thao phù hợp: Bóng đá, bóng rổ… với đặc tính di chuyển tốc độ cao và thường xuyên thay đổi hướng chạy đột ngột dễ dẫn đến chấn thương, nhất là ở dây chằng. Tập yoga, bơi lội… đúng cách giúp giảm đáng kể nguy cơ chấn thương.
Yoga hoặc thái cực quyền là các hình thức vận động thiên về cải thiện thần kinh cơ; tăng cường khả năng giữ thăng bằng, phối hợp các chuyển động của cơ thể. Trong khi đó, bơi lội hoặc đạp xe có tác dụng rèn luyện sức mạnh, tính linh hoạt, thăng bằng và sức bền.
Tập luyện ở cường độ vừa phải: Tập luyện quá sức làm tăng nguy cơ chấn thương và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp. Tránh tăng cường độ hoạt động đột ngột, chỉ nên tăng thêm 10% sau mỗi một đến hai buổi tập. Không gắng sức quá mức, nhất là khi mệt mỏi, đau hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường khác.
Cơ thể cần nghỉ ngơi đầy đủ, có thời gian phục hồi bằng cách tập một ngày, nghỉ một ngày hoặc xen kẽ giữa những buổi tập nặng và nhẹ.
Giãn cơ đầy đủ: Khởi động trước khi tập và hạ nhiệt sau khi tập có tác dụng giảm chấn thương hiệu quả. Các động tác giãn cơ, vặn người, chạy tại chỗ với cường độ thấp… giúp cơ thể chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang tập luyện. Nhịp tim, nhịp thở và thân nhiệt tăng dần để chuẩn bị cho hoạt động thể chất ở cường độ cao hơn.
Khi kết thúc buổi tập, nên thực hiện giãn cơ một lần nữa. Lúc này, các động tác kéo giãn tạo cơ hội cho cơ bắp mau hồi phục, giảm cảm giác mỏi sau vận động, hỗ trợ đào thải chất độc và chất thải tích tụ ở cơ bắp trong quá trình vận động thể lực.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |