Bất chấp các khó khăn kinh tế cả ở trong và ngoài nước, tình hình thu hút vốn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong năm 2023 đã có nhiều khởi sắc. Đáng chú ý, trong 11 tháng năm 2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn đang ráo riết chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp để chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới.
Đầu tư nước ngoài đang dần khởi sắc. Ảnh minh họa: TTXVN
Đầu tư nước ngoài đang dần khởi sắc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2023, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 16,41 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn điều chỉnh, Tổng cục Thống kê cho biết trong kỳ báo cáo, có 1152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước với tổng vốn đăng ký đạt 6,47 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong khoảng thời gian trên, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3166 dự án với tổng giá trị vốn góp đạt 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 20,7% tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Trong số này, có 1258 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ với giá trị vốn góp 2,31 tỷ USD và 1908 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà ĐTNN mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 3,65 tỷ USD.
Theo địa bàn đầu tư, có 56/63 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư cấp mới, tăng vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam, trong đó Quảng Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đạt 3,11 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng số vốn đạt 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hải Phòng với tổng vốn đạt 2,9 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần.
Dọn ổ để đón đại bàng
Mặc dù tình hình thu hút vốn FDI đang khởi sắc nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón sóng FDI trong năm 2024 khi nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với một số doanh nghiệp Nhật Bản về vi mạch bán dẫn. Ảnh Dương Giang-TTXVN
Trong Văn bản số 9606/VPCP-QHQT ra ngày 7/12/2023, Văn phòng Chính phủ thông báo: Xét kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp đã được nêu tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các địa phương tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, công tác giám sát và thực thi pháp luật để có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời; đẩy mạnh công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, hỗ trợ các địa phương xúc tiến, đàm phán, tư vấn chính sách, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài trên nguyên tắc các bên cùng có lợi; tuyên truyền quảng bá về sự sẵn sàng của Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới với các lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư thực sự thuận lợi với sự đồng hành, hỗ trợ tối đa của chính quyền từ Trung ương đến địa phương; cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế đối với dự án công nghệ cao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Đối với Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng giao cho Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách hiệu quả với lộ trình phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và thích ứng hiệu quả khi triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu và điều chỉnh khung ưu đãi đầu tư của Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Về phía Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ đẩy nhanh việc ban hành và thực thi chính sách để ngành công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian sắp tới, để các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong làn sóng đầu tư giai đoạn tới; thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng theo Quy hoạch điện VIII mới được thông qua và sớm khắc phục tình trạng thiếu điện tại một số địa phương.
Mặt khác, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Châu u; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất và tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đào tạo lao động có tay nghề và lao động cấp quản lý, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; rà soát lại quy định về việc cấp giấy phép lao động phù hợp với tình hình thực tế để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ số (tech firm) hàng đầu thế giới vào Việt Nam, đặc biệt là giải pháp khuyến khích đầu tư công nghệ, dịch vụ mới trong nền kinh tế số.
Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an và các địa phương rà soát lại tình hình hoạt động của các dự án nằm trong khu vực nhạy cảm, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Công an rà soát thủ tục cấp visa cho nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác thẩm định, đánh giá tác động về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đối với các dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài; triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế, ngăn ngừa các hoạt động lợi dụng hình thức chuyển dịch đầu tư, thâu tóm, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” để rửa tiền, chuyển giá, trốn thuế… gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Đối với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường năng lực bộ máy thực thi của các địa phương; cải cách thủ tục và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư kinh doanh; triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng… để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tái định vị sản xuất; rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông, logistic…) để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng hạn chế độ báo cáo định kỳ theo quy định, đảm bảo thông tin cập nhật và chất lượng, đặc biệt là chế độ báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan với việc thực thi không đúng quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài…/.
Mai Linh