Song song với xúc tiến thương mại, để phát triển thị trường xuất khẩu, các giải pháp sẽ được Bộ Công Thương triển khai thời gian tới là đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Song song với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch…
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu… Với các giải pháp đã đề ra, cộng với nỗ lực của doanh nghiệp, trong bối cảnh năm 2024 dự báo sẽ bớt khó khăn hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, kỳ vọng rằng, những thành tích của hoạt động ngoại thương năm 2024 không chỉ ấn tượng mà còn đóng góp tốt hơn nữa cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.