Đi sau nhiều nước trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch nhưng với trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới và nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam được cho là có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu – một sân chơi vốn chỉ dành cho các nền kinh tế phát triển hoặc mới nổi. Đáng chú ý, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn ra gay gắt, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của không ít “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Những chuyến công du mở đường
Khi nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.
Bên cạnh đó, hai bên cũng công nhận “tiềm năng hết sức to lớn” của Việt Nam như một nước đóng vai trò chủ yếu trong ngành chất bán dẫn và cam kết hợp tác để cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Tuyên bố chung phát hành sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr. tại Hà Nội hôm 10/9 có đoạn: “Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu”.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden khẳng định: “Chúng ta sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn”.
Cùng với việc nâng cấp quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden, các công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ và các đối tác ở Việt Nam – nơi mà tập đoàn Intel hiện đang vận hành nhà máy đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn lớn nhất thế giới tại TP. Hồ Chí Minh – đã ký kết hàng loạt thỏa thuận quan trọng.
Hơn một tuần sau đó, nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, ngày 19/9, tại thủ đô Washington, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ăn trưa làm việc với lãnh đạo của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn của Hoa Kỳ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vừa phù hợp xu thế hiện nay trên thế giới, vừa phù hợp với tiềm năng, nguồn lực con người của Việt Nam, vừa mang lại lợi ích cho người dân nên chắc chắn người dân sẽ tham gia một cách tích cực và hiệu quả.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, đầu tư sâu hơn, rộng hơn, nhiều hơn tại Việt Nam trong tất cả các khâu như đầu tư hạ tầng; chuyển giao công nghệ, thiết kế, tổ chức sản xuất và phân phối; đào tạo nhân lực với sự tham gia của các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu, đào tạo của cả hai nước. Từ đó, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và từng bước đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu trong nhiều khâu từ thiết kế, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, sản xuất.
Không chỉ có Mỹ, trong thời gian gần đây, Nhật Bản cũng tỏ ra quan tâm tới việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. Khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện hồi tháng 11/2023 nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, hai bên đã cam kết hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuyên bố chung phát hành sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ở Tokyo hôm 27/11 có đoạn: “Liên quan tới các lĩnh vực như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và ngành công nghiệp lõi tiềm năng mới như bán dẫn, hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định cam kết hợp tác phát triển các ngành này”.
Các “ông lớn” bắt đầu đổ bộ
Chưa đầy ba tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, Việt Nam đã liên tiếp chào đón các “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.
Cụ thể, vào đầu tháng 12, ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã dẫn theo một đoàn đại biểu gồm lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ như Intel, Qualcom, Ampere, ARM… sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neuffer. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 7/12, Chủ tịch SIA đánh giá cao những bước tiến, thay đổi quan trọng và ấn tượng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, trở thành điểm đến, nhân tố có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Đặc biệt đánh giá cao nhân lực bán dẫn nói riêng và lĩnh vực công nghệ cao nói chung của Việt Nam, Chủ tịch SIA cho biết Hoa Kỳ đang có cơn khát nhân lực chất bán dẫn và ngay từ trong đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực Việt Nam đã là nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này.
Ông Neffeur cũng khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực.
Thông báo về kết quả làm việc với các cơ quan chức năng phía Việt Nam, ông Neffeur cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ hào hứng chờ đón Chiến lược quốc gia về bán dẫn của Việt Nam; tin tưởng và mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng tận dụng được những cơ hội mới đang mở ra trong lĩnh vực này, đặc biệt là khâu thiết kế chip, vốn không đòi hỏi nhiều đầu tư so với sản xuất.
Ông cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng thắt chặt quan hệ, thúc đẩy đầu tư, hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, nhất là đào tạo các nhân tài, nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia cùng có lợi.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, phù hợp với người Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiết lộ Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển, Đề án phát triển nguồn nhân lực cùng với cơ chế ưu đãi phù hợp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất, thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn hàng đầu của nước ngoài vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị SIA thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và bãi bỏ những kiểm soát không cần thiết trong chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất, hợp tác đào tạo nhân lực, xây dựng các phòng thí nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Hoa Kỳ, hợp tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển bền vững lĩnh vực bán dẫn.
Được thành lập năm 1977, SIA là hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ – một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ và là động lực chính cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hoa Kỳ. Đến nay, SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Hoa Kỳ, trong đó 2/3 là các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài.
Chỉ vài ngày sau đó, ngày 11/12, ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ), cũng đã tới Việt Nam. Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Huang cho biết NVIDIA sẽ xây dựng cứ điểm của tập đoàn tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút nhân tài.
Cũng ngày hôm đó, phát biểu tại một cuộc tọa đàm ở Hà Nội, Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời khẳng định NVIDIA sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam. NVIDIA cam kết để Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam
Theo ông Huang, Việt Nam có nền giáo dục và hạ tầng tốt, chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương. Vấn đề hiện giờ là cần năng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI, Chủ tịch NVIDIA”, Jensen Huang nhấn mạnh./.
Khánh Linh