Năm 2023, các nền kinh tế thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gặp không ít khó khăn, một phần do chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và đà phục hồi còn chậm của kinh tế Trung Quốc, một phần do các bất ổn địa-chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, đa số các nền kinh tế ASEAN đều tăng trưởng tương đối khá. Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo năm 2024, kinh tế khu vực có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ thấp hơn, trong khi lạm phát sẽ quay trở lại “vùng an toàn”.
Lạm phát ở khu vực ASEAN sẽ quay về vùng an toàn. Ảnh minh họa: TTXVN
Big-6 tăng trưởng không như kỳ vọng
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 12/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 từ mức 4,6% trước đó 4,3% và trong năm 2024 từ mức 4,8% xuống còn 4,7%.
Theo ADB, sự điều chỉnh này phản ánh hiệu quả hoạt động mờ nhạt của lĩnh vực sản xuất ở các nền kinh tế ngày càng mở, đang tăng trưởng và định hướng xuất khẩu như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
ADB dự báo đà tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại ở Timor-Leste trong năm 2023 và ở Myanmar vào năm 2024. Indonesia và Philippines được dự báo sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức tương ứng là 5% và 6,2% trong cả hai năm 2023 và 2024. ADB cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng đối với Singapore ở mức 1,0% trong năm 2023 và 2,5% trong năm 2024.
Trong khi đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Malaysia từ 4,5% xuống còn 4,2% trong năm 2023 và từ 4,9% xuống 4,6% trong năm 2024, chủ yếu do xuất khẩu và sản xuất vẫn giảm, và của nền kinh tế Thái Lan từ 3,5% xuống còn 2,5% trong năm 2023 và từ mức 3,7% xuống còn 3,3%.
Cùng chung “số phận” vớ Malaysia và Thái Lan còn có nền kinh tế Việt Nam. ADB cho rằng nền kinh tế này đã tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2023, với mức tăng 4,2%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng yếu hơn phản ánh tác động của sự sụt giảm về nhu cầu bên ngoài; tình hình thực hiện ngân sách kém, đặc biệt ở cấp tỉnh; và sự phục hồi chậm chạp về việc làm và tiêu dùng trong nước. Về phía cung, tăng trưởng kinh tế đang bị cản trở do sản lượng công nghiệp và dịch vụ thấp hơn. Do sự suy giảm không lường trước được, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 5,8% xuống 5,2% trong năm 2023, nhưng giữ nguyên dự báo cho năm 2024 ở mức 6,0%.
Trước đó, trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Ayudhya (Krungsri, Thái Lan) dự báo năm 2023, kinh tế các nước ASEAN tiếp tục phục hồi, nhưng với tốc độ chậm hơn năm 2022, do nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu yếu hơn.
Theo Ngân hàng Ayudhya, trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu từ ASEAN đã giảm tốc do nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sản xuất chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực đã tăng trưởng nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động du lịch. Nền kinh tế ASEAN tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024, nhờ nhu cầu trong nước ổn định, thị trường việc làm mạnh mẽ, đóng góp cải thiện từ khu vực dịch vụ và có khả năng chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất hiện tại.
Còn trong báo cáo công bố tháng 11/2023, ngân hàng HSBC (Anh) dự báo tăng trưởng chung của top 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN-6), gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, sẽ đạt mức 4,6% vào năm 2024, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với con số 4% trong năm nay. Tuy nhiên, theo HSBC, tốc độ tăng trưởng ở mỗi quốc gia trong nhóm ASEAN-6 sẽ khác nhau, từ 2,4% đối với Singapore đến 6,3% đối với Việt Nam.
Lạm phát đang tiến về vùng an toàn
Trong báo cáo ADO, ADB nhận định nhìn chung, lạm phát ở Đông Nam Á đã chậm lại do nhu cầu toàn cầu yếu hơn, trong khi giá dầu và hàng hóa đều giảm cho dù lãi suất vẫn tăng ở một số nước. Mặc dù vậy, ADB vẫn duy trì dự báo lạm phát ở khu vực ASEAN ở mức 4,2% trong năm 2023, với lý do dự báo lạm phát thấp hơn ở Campuchia, Malaysia, Singapore và Thái Lan sẽ được bù đắp bằng dự báo cao hơn đáng kể đối với Lào và Myanmar.
Lạm phát ở Thái Lan được dự báo sẽ thấp hơn. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/VNS
Ở chiều ngược lại, ADB nâng dự báo lạm phát ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2024 từ mức 3,3% trước đây lên 3,5%, với lý do có thể xảy ra gián đoạn nguồn cung thực phẩm từ rủi ro khí hậu, bao gồm cả từ El Niño.
Riêng đối với Việt Nam, ADB cho biết lạm phát cơ bản ở nước này đứng ở mức 4,3% trong 11 tháng đầu năm 2023, chủ yếu do sự phục hồi của hoạt động thương mại và sự tăng giá của nhiên liệu nhập khẩu cũng như giá điện. Tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (từ 4,0% đến 4,5%). Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động của Việt Nam, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát giá xăng, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục, đã giúp kiểm soát lạm phát. ADB giữ nguyên dự báo lạm phát ở Việt Nam ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024.
Trong khi đó, Ngân hàng Ayudhya lại cho rằng hầu hết các nền kinh tế trong ASEAN đều ghi nhận lạm phát thấp hơn, chủ yếu nhờ giá cả hàng hóa ổn định, các nút thắt trong chuỗi cung ứng được nới lỏng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Hầu hết các ngân hàng trung ương ở ASEAN đã tạm dừng tăng lãi suất và chiều hướng này có thể tiếp diễn. Ngoài ra, tình trạng lạm phát dịu lại ở hầu hết các quốc gia sẽ mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất nếu cần thiết./.
Minh Phương