Tôi vừa được bác sĩ chẩn đoán suy tuyến thượng thận, điều trị tại nhà, cần lưu ý gì? (Ánh Hồng, 51 tuổi, Lâm Đồng)
Trả lời:
Suy tuyến thượng thận xảy ra do trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận bị phá hủy làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone steroid của vỏ thượng thận. Bệnh gồm hai dạng, nguyên phát do cơ thể mắc các bệnh tự miễn, viêm nhiễm, lao, HIV, ung thư, cắt bỏ tuyến thượng thận… Lúc này, tuyến thượng thận bị tấn công, phá hủy, dẫn đến không thể sản xuất hormone cortisol và aldosterone.
Suy tuyến thượng thận thứ phát do tuyến yên không tiết đủ hormone adrenocorticotropin (ACTH), dẫn đến tuyến thượng thận không sản xuất đủ cortisol. Bệnh thường gặp ở người sử dụng corticoid thời gian dài và dừng lại đột ngột. Tình trạng suy thượng thận thứ phát cũng xảy ra do các khối u vùng tuyến yên đè lên các tế bào tuyến yên bình thường hoặc phẫu thuật, xạ trị ở tuyến yên.
Suy tuyến thượng thận là tình trạng mạn tính, cần theo dõi điều trị suốt đời. Chị nên sử dụng thuốc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng.
Bác sĩ hướng dẫn cho bệnh nhân và người thân cách tiêm corticoid, nhận biết trường hợp cần cấp cứu như suy thượng thận cấp để đưa người bệnh đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe. Chị lưu ý tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D vào chế độ ăn uống, vì dùng corticosteroid làm tăng nguy cơ loãng xương. Nếu chị có lượng hormone aldosterone thấp nên hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm natri thông qua chế độ ăn uống hoặc thuốc.
Triệu chứng điển hình của suy tuyến thượng thận cấp gồm tụt huyết áp, thiếu dịch trầm trọng, lú lẫn, hôn mê. Bệnh thường đi kèm với các tình trạng stress cấp tính như phẫu thuật, nhiễm trùng, chấn thương… Trong trường hợp này, người bệnh cần nhập viện để được can thiệp kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.
Suy thượng thận mạn có triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, chán ăn, gầy sụt cân, cảm giác mệt mỏi uể oải, đau cơ, tăng sắc tố da niêm. Nếu chị nhận thấy sức khỏe bất thường thì cần đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |