Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Công nghệ dịch vụ thuộc Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), để nhà mạng được cấp phép 5G cần nhiều điều kiện, ví dụ vốn đầu tư trong 3 năm đầu từ 1.500 – 2.500 tỉ đồng, điều kiện tiếp cận hạ tầng, vùng phủ sóng rộng (trên toàn quốc…).
“Đây là điều kiện tiên quyết các doanh nghiệp phải làm”, ông Tuấn Anh chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thương mại hóa 5G, xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” diễn ra hôm 26.12 tại Hà Nội.
Hạ tầng 5G cũng khác so với 3G, 4G. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh mạng 3G, 4G có thể tạo ra dịch vụ truy cập internet, thoại, nhắn tin để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, 5G có hạ tầng số giống như hạ tầng mở, có nhiều nhà phát triển để khai thác các ứng dụng thực tế trên hạ tầng đó nên nếu doanh nghiệp không trúng băng tần, họ vẫn có cơ hội từ 5G.
Cũng tại sự kiện, bà Vũ Thu Hiền – Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số (Cục Tần số vô tuyến điện) cho biết dự kiến tháng 1.2024, Bộ TT-TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá tần số 5G để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia.
Nhận định về thực tiễn phát triển 5G tại Việt Nam, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) – ông Mai Liêm Trực nói phát triển 5G không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm thách thức. Đầu tư 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn và liên quan đến cơ chế đầu tư cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, ông cho rằng triển khai không chỉ là vấn đề công nghệ đã sẵn sàng hay chưa, mà còn nằm ở bài toán kinh doanh, quản trị hệ thống 5G sao cho hiệu quả.
“Năm 2024, thị trường tương đối sẵn sàng cho 5G, ít nhất là khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực y tế, dầu khí, giao thông, thành phố thông minh…”, ông Mai Liêm Trực đánh giá.
Từ năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và triển khai mạng di động 5G. Đến thời điểm này, việc thử nghiệm mạng 5G đã diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước. Dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, cơ hội thương mại hóa công nghệ 5G lại đến gần hơn bao giờ hết khi Việt Nam tiến hành chuyển đổi số sâu rộng, mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, 4G và sắp tới là 5G được xem như dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng dần. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố, đồng thời thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G, thí điểm ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu…
Dự báo, đến năm 2030, 5G sẽ đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỉ USD. Đến năm 2025, công nghệ mạng này có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3% đến 7,4% nhờ nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.