Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 hiệp định đã có hiệu lực, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành dệt may vẫn chưa tận dụng hết lợi thế mà các thỏa thuận này mang lại. Vì thế, vấn đề đối với các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp dệt may hiện nay là làm thế nào để khai thác tốt các cơ hội từ những hiệp định này.
Ngành dệt may vẫn chưa khai thác hết lợi thế từ các FTA. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Chưa khai thác hết lợi thế
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam hiện có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương và gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Riêng về FTA, đến nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công 16 hiệp định với các đối tác thương mại song phương và đa phương, trong đó có 15 hiệp định đã có hiệu lực. Trong số này, đáng chú ý có các FTA thế hệ mới và có sự tham gia của nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).
Ngoài các FTA trên, Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán ba hiệp định khác, gồm FTA giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA); FTA giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Canada; FTA giữa Việt Nam và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc ký kết và thực thi các FTA đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Đáng chú ý, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Đối với ngành dệt may, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt hơn 44 tỷ USD, chiếm 11,85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Năm 2023, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 40 tỷ USD. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 23/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, nói: “Mặc dù sụt giảm về xuất khẩu nhưng với những khó khăn trong năm nay, con số này được coi là sự bứt phá và cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta bứt phá cả về thị trường và mặt hàng. Chưa năm nào ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều vào các thị trường 2023 với 104 thị trường quốc gia, vùng lãnh thổ”.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam còn rất lớn. Nếu khai thác tốt các cơ hội mà các FTA mang lại, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 50 đến 52 tỷ USD vào năm 2025 và từ 68 đến 70 tỷ USD vào năm 2030 đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Cần sự thay đổi quyết liệt
Có một điều khá đáng tiếc là hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng vẫn chưa chủ động khai thác cơ hội từ các FTA. Nguyên nhân chủ yếu là vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các hiệp định này. Kết quả khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy mặc dù gần như đa số doanh nghiệp đều đã có hiểu biết về các FTA, nhưng số doanh nghiệp hiểu biết rõ chỉ chiếm khoảng 8%. Kết quả là trong 3 đến 4 năm qua, tỷ trọng thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường đã ký kết FTA vẫn khá thấp. Chẳng hạn, hiện nay, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm 4% tại thị trường EU, 2% tại Vương quốc Anh, khoảng 13% tại Canada và khoảng 14% tại Mexico.
Liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo. Ảnh minh họa: TTXVN
Bên cạnh đó, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), trong kế hoạch thực thi các FTA, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ rất quan trọng cho các bộ ngành và địa phương là tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để học hỏi, tận dụng công nghệ, quan hệ và các nguồn tài chính. Tuy nhiên, kết nối đó còn rất lỏng lẻo, trong khi kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau càng lỏng lẻo hơn.
Mặt khác, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang (FASLINK), cho biết có rất ít doanh nghiệp Việt Nam chủ động tham gia hội chợ quốc tế để tìm hiểu người dùng cuối và thị trường đích đến, hay tìm kiếm khách hàng, mà chủ yếu thông qua các công ty để nhận đơn hàng ngay tại Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc lại rất chủ động nên dù họ bị các thị trường đặt rào cản rất lớn nhưng họ vẫn vượt qua và vẫn chiếm được tỷ trọng thị phần rất lớn.
Vì thế, theo các chuyên gia, để khai thác tốt các cơ hội từ FTA song phương và đa phương, các doanh nghiệp dệt may cần phải chủ động nghiên cứu các hiệp định này để xác định các thị trường trọng điểm và lên phương án tiếp cận cho phù hợp với từng thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ của một doanh nghiệp đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường FTA, bà Trần Hoàng Phú Xuân cho biết FASLINK xác định mục tiêu ngay từ đầu là phải nâng được giá trị của mình trong chuỗi cung ứng chứ không chỉ là làm gia công. Do đó, trong 15 năm qua, FASLINK đã rất nỗ lực xây dựng thương hiệu, chủ động kết hợp với doanh nghiệp FDI để nhanh chóng đưa được sản phẩm thương mại ra thị trường; tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển và mua dữ liệu thị trường; tích cực tham gia hội chợ quốc tế. Do đó, doanh nghiệp có thể chốt đơn khá dễ nên có những điểm khác biệt tạo ra giá trị cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cung cấp thông tin và cập nhật chính sách cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành xây dựng cổng thông tin một cửa về FTA. Theo đó, các doanh nghiệp thay vì phải truy cập nhiều trang web, gõ cửa nhiều bộ ngành, chỉ cần vào cổng một cửa FTA sẽ có thông tin cần thiết hoặc có thể đặt câu hỏi, yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ. Theo dự kiến, cổng thông tin này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Mặt khác, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và kết nối đối tác, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp dệt may khai thác các cơ hội từ FTA. Hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các bộ ngành xây dựng khung khổ quy định về nguồn tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA./.
Vũ Hoa