Có thể nói Biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái môi trường (STMT) là vấn đề chung của toàn nhân loại, vì thế, cộng đồng quốc tế đã quan tâm cũng như tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh để ký kết các công ước đến lĩnh vực này từ rất sớm, trong đó, điển hình là Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về BĐKH.
Trong nội dung Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, toàn bộ Công ước gồm có lời nói đầu, 26 điều và 2 phụ lục. Mục tiêu của các quốc gia khi tham gia công ước này đó là nhằm đạt được sự ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu cũng như bảo đảm việc sản xuất lương thực không bị đe dọa và đảm bảo được sự phát triển bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu này, các quốc gia khi tham gia công ước phải tuân thủ các nguyên tắc như các bên phải thực hiện những biện pháp thận trọng để đoán trước, ngăn ngừa hoặc làm giảm những nguyên nhân của BĐKH và làm giảm nhẹ những ảnh hưởng có hại của BĐKH; nhấn mạnh sự phát triển kinh tế thông qua một hệ thống kinh tế quốc tế mở và tương trợ, đặc biệt đối với hệ thống các nước đang phát triển để tạo ra nguồn lực có thể ứng phó đối với vấn đề BĐKH.
Có thể nói, Trung Quốc có sự hiện diện về chính trị và kinh tế lớn trong khu vực, đồng thời, đóng vai trò rất lớn trong hoạt động ứng phó BĐKH và STMT trong phạm vi khu vực Đông Nam Á nói chung và ở Trung Quốc nói riêng. Hiện nay, Trung Quốc có những chính sách trọng tâm liên quan đến hoạt động BĐKH và STMT với mục tiêu bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính. Với mục tiêu đó, Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp.
Thứ nhất, Trung Quốc sử dụng đồng thời cả hai chính sách là “củ cà rốt” (khuyến khích, khen thường) và “cây gậy” (xử phạt). Điều này có nghĩa là chính quyền Trung Quốc sẽ có chính sách khen thưởng thiết thực (đánh vào lợi ích, chức vụ) như đánh giá cán bộ, công chức cuối năm, thăng tiến, tăng lương hoặc thưởng, những lợi ích về vật chất khác như (được đi lại miễn phí, miễn phí các dịch vụ giải trí, tham gia bồi dưỡng và du lịch) và những khoản hỗ trợ khác như trợ cấp nhà ở, chăm sóc sức khoẻ và cơ hội được học tập cao hơn nếu như cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ liên quan đến hoạt động BĐKH và STMT. Biện pháp “cây gậy – xử phạt” có nghĩa là trong trường hợp cán bộ, công chức không hoàn thành chỉ tiêu được giao liên quan đến lĩnh vực BĐKH và STMT thì đó là một trong những căn cứ chính yếu phải chịu các hình phạt như không được thăng tiến, điều động công tác tới vùng sâu, vùng xa, một số ít trường hợp còn bị sa thải.
Thứ hai, Trung Quốc quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu địa phương (gồm ban Đảng ủy và Chính quyền). Điều này có nghĩa là nhóm đối tượng này bắt buộc phải ký hợp đồng trách nhiệm cá nhân với mục tiêu cam kết lồng ghép các yêu cầu về năng lượng và khí phát thải hàng năm tại địa phương, đồng thời, chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện các cam kết đó.
Thứ ba, Trung Quốc sử dụng hệ thống kế hoạch dựa trên mục tiêu xanh. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiến hành xây dựng tiêu chuẩn xanh hàng năm và yêu cầu tất cả các địa phương ký cam kết thực hiện hệ thống kế hoạch này. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Trung Quốc có thúc đẩy năng lực quản lý môi trường liên địa phương để bảo vệ trọn vẹn các hệ sinh thái. Tuy nhiên, biện pháp này hiện nay được đánh giá là chưa có tính khả thi trên thực tiễn nhưng một mặt tích cực khác đó là thúc đẩy nhận thức về tính liên kết trong hoạt động ứng phó với BĐKH và STMT.
Thứ tư, Trung Quốc khuyến khích sự hợp tác quốc tế cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường cũng như nâng cao năng lực ứng phó đối với BĐKH. Cụ thể, Trung Quốc mở rộng sự tham gia của các tổ chức NGOs về môi trường vào những buổi họp báo. Đồng thời, Trung Quốc cải thiện chất lượng cung cấp thông tin môi trường từ khâu hoạch định đến thực thi chính sách.