Là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, vịnh Hạ Long luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức cho chính quyền địa phương và cơ quan quản lý trong quá trình quản lý, bảo tồn và khai thác di sản này.
Vịnh Hạ Long. Ảnh: TTXVN
Kỳ quan thiên nhiên thế giới
Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây của vịnh Bắc Bộ, tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo của thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi địa danh này chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí.
Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng với hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.
Vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới về giá trị cảnh quan tự nhiên vào năm 1994 và về giá trị địa chất, địa mạo vào năm 2000. Sau đó, vịnh Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2009 và được tổ chức New7Wonders công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới vào năm 2011.
Tháng 9/2023, vịnh Hạ Long tiếp tục được Ủy ban Di sản Thế giới phê duyệt mở rộng ranh giới Di sản Thế giới vịnh Hạ Long để kết hợp với Quần đảo Cát Bà trở thành Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà trong Danh mục Di sản Thế giới. Đây là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, việc mở rộng ranh giới Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà giúp bổ sung các giá trị và khẳng định thêm tính toàn vẹn của di sản Vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi danh, đồng thời giúp tăng cường các giải pháp quản lý hệ sinh thái biển đặc trưng của Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà.
Cần sự chung tay của tất cả mọi người
Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu và tiêu biểu của quốc gia, cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, Di sản vịnh Hạ Long luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng, khu vực và thế giới nói chung.
Du khách tắm biển trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Thanh Tùng/VNS
Tuy nhiên, vịnh Hạ Long là một di sản biển đặc thù với hàng nghìn đảo đá, địa bàn trải rộng, chế độ hải văn phức tạp. Bên cạnh đó, khu vực ven bờ vịnh tiếp giáp với nhiều địa phương đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ. Trên vịnh đang diễn ra nhiều hoạt động kinh tế-xã hội phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như du lịch; nuôi trồng, khai thác thủy sản; giao thông, vận tải biển… Điều này đang tạo ra nhiều sức ép đa chiều đối với Di sản vịnh Hạ Long, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường.
Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường khẳng định trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý di sản luôn xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Vì thế, để Di sản vịnh Hạ Long là điểm đến xanh – sạch – đẹp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn thể người dân địa phương, khách du lịch và cộng đồng quốc tế.
Ông Vũ Kiên Cường cũng cho biết nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của vịnh Hạ Long, cơ quan quản lý di sản và chính quyền địa phương luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, mỗi người dân và khách du lịch trong bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã chủ động tăng cường thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải. Hoạt động thu gom rác thải trên vịnh được thiết lập với hai vùng chính, trong đó vùng thứ nhất được tổ chức thu gom dọc theo bờ vịnh để ngăn chặn ngay từ nguồn các loại rác phát sinh từ các khu đô thị và khu dân cư tập trung; và vùng thứ hai được tổ chức tại các khu vực trung tâm vịnh, trong đó tập trung vào các khu vực có hoạt động du lịch, dịch vụ và kinh tế – xã hội khác. Mỗi vùng thu gom rác được bố trí nhiều phương tiện với hàng chục nhân lực liên tục triển khai thu gom rác trên mặt nước đảm bảo môi trường cảnh quan của vịnh.
Mặt khác, vịnh Hạ Long còn đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong công tác xử lý nước thải. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia và công nghệ từ Nhật Bản, hiện nay, hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan dần được nâng cấp sử dụng công nghệ Jokaso (xử lý nước thải ngay tại nguồn bằng công nghệ sinh học Nhật Bản). Chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long được theo dõi, quan trắc định kỳ hàng quý và được xác định nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam. Nước thải tại các tàu du lịch, điểm tham quan trên vịnh, khu dân cư ven bờ vịnh Hạ Long từng bước được xử lý.
Từ năm 2019, phong trào ‟vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” được Ban Quản lý vịnh phát động, triển khai hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của doanh nghiệp, khách du lịch cùng toàn thể cộng đồng trong thực hiện chiến dịch không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh.
Ngoài ra, việc thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên vịnh bằng các vật liệu bền vững được đẩy mạnh. Tính riêng trong vùng lõi di sản, hàng chục nghìn quả phao xốp trong các công trình nổi đã được thay thế bằng vật liệu bền vững, đạt trên 94%. Đây là thành quả đáng ghi nhận của cơ quan quản lý di sản trong thời gian qua./.
Mỹ Hà