Mặc dù đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã góp phần phát huy được giá trị tiềm năng của khoáng sản và tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nhưng không thể phủ nhận rằng vẫn còn tồn tại những vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản cần cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm.
Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Phương – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam để làm rõ vấn đề này.
PV: Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này, thưa ông?
Ông Trần Phương: Pháp luật về khoáng sản đã có quy định việc cấp giấy phép khai khoáng được thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trừ những khu vực khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo tiêu chí quy định tại Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng, minh bạch để tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, kết quả trúng đấu giá đối với 3 mỏ cát trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa qua với giá trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm hàng trăm lần là con số “bất thường”. Với kết quả trúng đấu giá đó, chỉ tính riêng chi phí liên quan đến nghĩa vụ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng đã vượt xa giá bán sản phẩm cát xây dựng trên thị trường. Do đó, việc triển khai dự án khai thác khoáng sản sau khi trúng đấu giá là rất khó khả thi.
Để làm rõ vấn đề này, ngay sau khi có thông tin về kết quả cuộc đấu giá, Cục Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT Hà Nội báo cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan để có đánh giá đầy đủ về việc tổ chức thực hiện cuộc đấu giá. Sau đó, Bộ TN&MT cũng có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT sớm báo cáo, cung cấp thông tin.
PV: Xin ông cho biết, sau Công điện số 1087 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Khoáng sản Việt Nam đã tham mưu cho Bộ TN&MT các giải pháp như thế nào để tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT)?
Ông Trần Phương: Quyền khai thác khoáng sản là một loại tài sản đặc thù, do đó, việc xác định giá trị và tổ chức thực hiện đấu giá có những điểm riêng, không giống đấu giá các loại tài sản khác, cụ thể đối tượng đấu giá ở đây là quyền khai thác khoáng sản chứ không phải là đấu giá giá trị của mỏ khoáng sản và đối tượng đấu giá cũng có 2 loại là quyền khai thác khoáng sản ở khu vực khoáng sản đã có kết quả thăm dò và chưa có kết quả thăm dò.
Vì vậy, sắp tới Cục sẽ theo thẩm quyền hoặc tham mưu Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản là quyền khai thác khoáng sản; nâng cao nhận thức về chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đặc biệt, trước các cuộc đấu giá cần phải giải thích rõ với nhà đầu tư rằng đối tượng đấu giá là gì, ngoài nghĩa vụ tiền cấp quyền trúng đấu giá, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật, vẫn phải thực hiện việc đầu tư để khai thác, vận chuyển, chế biến, lưu trữ và tiêu thụ khoáng sản khai thác được để có phương án trả giá phù hợp với trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ của từng mỏ.
Về quản lý, theo quy định của Luật Khoáng sản, khoáng sản làm VLXDTT thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của UBND cấp tỉnh, do đó Cục sẽ tham mưu Bộ TN&MT có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại địa phương. Theo đó, ngoài việc tổ chức đấu giá theo đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan, cần quan tâm, chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định sau khi cấp phép.
Cụ thể như: việc theo dõi, khai báo, thống kê, kiểm kê và kiểm soát sản lượng khai thác thực tế, trữ lượng được phép khai thác, trường hợp khai thác hết trữ lượng được cấp phép mà mỏ vẫn còn trữ lượng thì tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trái phép, không có giấy phép, khai thác vượt ra ngoài ranh giới cấp phép theo quy định, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông, lòng hồ.
Về hoàn thiện khung pháp lý, Cục đang được giao chủ trì xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, đồng thời cũng đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo đó, để tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu giá, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý chung về đấu giá tài sản theo hướng có quy định riêng đối với tài sản đặc thù là quyền khai thác khoáng sản như tăng mức tiền đặt trước; có chế tài cấm các tổ chức, cá nhân bỏ tiền cọc tham gia các cuộc đấu giá tiếp theo, các quy định để giám sát, kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác thực tế phù hợp với trữ lượng được cấp phép…
PV: Thưa ông, Cục sẽ thực hiện kế hoạch gì để phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt các địa phương để tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXDTT?
Ông Trần Phương: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Khoáng sản Việt Nam đang tham mưu Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư thành lập Đoàn kiểm tra công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại một số địa phương, trọng tâm là những địa phương có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, nhằm kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới; không để xảy ra tình trạng lợi dụng sơ hở để trục lợi, lợi ích nhóm, lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; trường hợp phát hiện có sai phạm sẽ xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!