Hiểu được mối quan hệ giữa cân nặng và huyết áp đóng vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch. Khi thừa cân, cơ thể chúng ta cần nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn để hoạt động bình thường. Kết quả là tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn đến huyết áp tăng cao, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).
Ngoài ra, thừa cân, béo phì sẽ dễ hình thành các mảng xơ vữa trong thành mạch máu, làm thu hẹp các mạch máu và tích tụ mỡ, từ đó khiến huyết áp tăng lên.
Hơn nữa, mỡ tích tụ nhiều trong cơ thể thường dẫn đến các yếu tố nguy cơ khác gây huyết áp cao, chẳng hạn như tình trạng kháng insulin, viêm và mất cân bằng nội tiết tố. Những yếu tố này không chỉ góp phần làm tăng huyết áp, tiểu đường, mà còn nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Khi đó, giảm cân là điều vô cùng cần thiết. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm cân dù chỉ ở mức khiêm tốn cũng có thể tác động tích cực đến huyết áp, đồng thời cải thiện vận động và sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý là mức độ tác động của giảm cân đến huyết áp có thể khác nhau tùy từng người. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố như di truyền, tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh tiềm ẩn.
Để giảm cân hiệu quả, mọi người cần kết hợp giữa thói quen ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. Với chế độ ăn, người bị huyết áp cao cần hạn chế muối, chất béo có hại trong chế độ ăn hằng ngày. Đồng thời, tăng cường ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc giàu protein.
Bằng cách tuân theo chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng kết hợp với tập luyện đều đặn, người bị huyết áp cao có thể kiểm soát tình trạng của mình một cách hiệu quả, giảm nguy cơ biến chứng cũng như phát triển các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ, theo Everyday Health.