Năm 2023, bất chấp những khó khăn kinh tế ở trong nước và thế giới, tỉnh Quảng Ninh vẫn trở thành một điểm sáng trên bức tranh nhiều màu sắc của kinh tế Việt Nam khi đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lên tới hai chữ số và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao kỷ lục. Vậy đâu là nhân tố giúp Quảng Ninh lập nên kỳ tích đầy ấn tượng này?
Các xe trung chuyển chở khách du lịch xuất cảnh đi qua vạch phân quảng cầu Bắc Luân II. Ảnh: Thanh Vân – TTXVN
Những kỳ tích kinh tế
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh ước tăng 11,03%, gấp đôi con số bình quân chung cả nước, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ ba cả nước. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số như vậy. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 55.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Đáng chú ý, tổng số vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Quảng Ninh ước đạt hơn 5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trong nước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch, và vốn FDI đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm. Đây là con số kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh từ trước tới nay.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh thành công của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư FDI không chỉ dừng lại ở những con số về tổng số vốn đầu tư, mà quan trọng hơn đó là các lĩnh vực và dự án thu hút đều đảm bảo theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển, góp phần hình thành chuỗi công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng…
Hé lộ những nhân tố
Để tạo ra những kỳ tích kinh tế trên, thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa dựa trên nguyên tắc đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh hóa, lấy du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt khác, Quảng Ninh đã quyết liệt cải cách thực chất các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Hơn thế nữa, chính quyền tỉnh cũng thường xuyên quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh; khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút các dự án FDI chất lượng.
Hướng tới những mục tiêu cao hơn
Ngày 22/11, tại hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, trong đó phấn đấu thu hút 3 tỷ USD trong năm 2024.
Vịnh Hạ Long. Ảnh: TTXVN
Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách; tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng tâm là các Khu kinh tế Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái và các khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong… Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất và sản lượng các sản phẩm.
Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đặc biệt là tại khu vực, diện tích đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thi công các dự án hạ tầng khu công nghiệp.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Tỉnh phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; GRDP bình quân đầu người năm 2024 phấn đấu đạt trên 10.000 USD./.
Thanh Hải