Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa chống mua bán người, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, đặc biệt là các hội đoàn như hội phụ nữ đã tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.
Hội phụ nữ Việt Nam triển khai hiệu quả công tác truyền thông
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các hoạt động, triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”, trọng tâm bao gồm:
Thứ nhất, phối hợp Bộ Công an, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7” cùng các hoạt động khác.
Thứ hai, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tập huấn chuyên đề “Tình hình tội phạm mua bán người và một số việc cần làm góp phần chống nạn mua bán người” cho gần 300 cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn biên giới.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trọng tâm là hỗ trợ phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho phụ nữ các dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới như mua bán, xâm hại tình dục phụ nữ, bạo lực gia đình, xuất nhập cảnh trái phép,…
Tiếp đến là tổ chức các hội thảo, đối thoại, tọa đàm cho mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên có kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và phòng, chống mua bán người.
Tuyên truyền bảo hộ ở nước ngoài
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (0981848484) kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài và nạn nhân bị mua bán, đồng thời, tổ chức khóa đào tạo, tập huấn về công tác phòng, chống mua bán người trong đó cập nhật các xu hướng mới của tội phạm mua bán người cho các cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ lao động, thương binh và xã hội đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động đường dây nóng phòng chống mua bán người thông qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, tổ chức khảo sát nhận thức của người dân về hoạt động của đường dây nóng 111 về các hoạt động di cư và mua bán người.
Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, các thủ đoạn nổi lên bao gồm, tội phạm lợi dụng dịp trước sau tết nguyên đán, lượng người đi lại, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới tăng mạnh, nhất là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ… tiếp tục phát hiện các đối tượng người Việt Nam, trong đó có người trước đây từng là nạn nhân, móc nối câu kết với các đối tượng người nước ngoài quen thuộc địa bàn biên giới đã lừa dụ dỗ các nạn nhân kể cả người thân trong gia đình đưa đi bán.
Các đối tượng thông qua mạng xã hội, giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh làm quen nạn nhân chủ yếu là phụ nữ người dân tộc mông trong độ tuổi từ 16 đến 23, giả vờ yêu đương hứa hẹn tổ chức đám cưới, hẹn hò rủ đi chơi hoặc khống chế đe dọa nạn nhân sau đó bán họ ra nước ngoài. Cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc xảy ra tại các tỉnh biên giới phía bắc như Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái.
Tình trạng mua bán chiếm đoạt mô bộ phận cơ thể người để thuê diễn biến phức tạp. Trong thời gian hoạt động, các đường dây thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, điều phối việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Công tác phòng ngừa mua bán người có chuyển biến rõ nét, nhất là truyền thông phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng, các ngành tư pháp phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người theo hướng dẫn, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng được quan tâm thực hiện theo quy định, các bộ, ngành được phân công đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai các văn bản quy phạm pháp luật vừa mới ban hành, hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường và mở rộng.
Phương Anh