Việt Nam chịu tác động lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, nên công cuộc giảm nghèo và chống tái nghèo chú trọng tính bền vững và lâu dài.
Để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015-2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua, Việt Nam đang nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ cụ thể.
Vì một Việt Nam không có đói nghèo
Các cơ quan Việt Nam tập trung nghiên cứu trình trung ương về việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”.
Để thực hiện mục tiêu, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, tác động cực đoan của dịch bệnh, biến đổi khí hậu; nhân rộng các chương trình, sáng kiến mô hình hiệu quả, thành công; ưu tiên nguồn lực nhà nước, lồng ghép các chương trình giảm nghèo, cùng với huy động nguồn lực toàn xã hội, sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong công cuộc hỗ trợ người nghèo.
Các bộ ngành, địa phương xác định giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện.
Các cơ quan tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương; việc làm tăng cường thu hút đầu tư; phát triển doanh nghiệp, đầu tư cho giáo dục, dạy nghề tạo việc làm có thu nhập; phổ biến kinh nghiệm, nhân mô hình giảm nghèo tốt, nâng cao ý thức tự cường cho mọi gia đình; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sau 2020; áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Các bộ, ngành, địa phương Việt Nam tiếp tục xây dựng cơ chế để tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong thực hiện các dự án mô hình giảm nghèo, từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện, đồng thời truyền thông, tôn vinh, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những cá nhân xuất sắc, lắng nghe người dân về chính sách và mô hình giảm nghèo.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và các chương trình, cơ chế, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là một trong 4 phong trào trọng tâm trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới. Các bộ ngành địa phương tích cực lập kế hoạch cụ thể để phong trào này hiệu quả thiết thực.
Phong trào mới cũng ngày càng được triển khai rộng rãi, với mỗi xã, mỗi phường, mỗi thôn bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu, phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn. Giảm nghèo chú trọng bền vững bắt đầu từ trẻ em nên các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Không chỉ vậy, các địa phương khá hơn cũng nhận hỗ trợ các huyện nghèo xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hơn; cấp ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo, phát động các phong trào thi đua thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững một cách sáng tạo, thực chất hơn.
Các ban ngành cũng đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững lên các cấp, các ngành và địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động các hội viên đoàn viên tích cực tham gia công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục có sự huy động chung tay tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và toàn xã hội chung tay vì người nghèo; với công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát huy dân chủ và nội lực của người dân được chú trọng. Một nội dung ý nghĩa khác là mở rộng hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Phương Anh