Giá xuất khẩu cà phê Robusta lên cao nhất 28 năm Xuất khẩu cà phê tăng mạnh 158,3% |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 18 – 24/12, giá cà phê tăng lần lượt 1,85% với Arabica và 0,42% với Robusta.
Giá hai loại cà phê tăng giảm mạnh trong tuần giao dịch 18 – 24/12 |
Đây là một tuần đầu biến động đối với mặt hàng này khi giá liên tục ghi nhận những phiên tăng, giảm mạnh. Thậm chí, giá Robusta chạm đỉnh 28 năm và giá Arabica cán mức cao nhất trong 8 tháng. Lo ngại tồn kho ở mức thấp và tình trạng hạn chế bán cà phê từ nông dân khiến lực mua chiếm ưu thế.
Trong báo cáo về thị trường cà phê phát hành ngày 21/12, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính tồn kho cà phê thế giới trong niên vụ hiện tại chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm 16,7% so với báo cáo trước và 4% so với số ước tính cho niên vụ 2022/23. Đây cũng là mức tồn kho thấp nhất từng được ghi nhận trong 12 năm trở lại đây. Cùng với đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở hàng hoá liên lục địa châu Mỹ (ICE-US) dù hồi phục nhưng vẫn ở mức thấp 24 năm và lượng Robusta lưu trữ trên Sở hàng hoá liên lục địa châu Âu (ICE-EU) cũng đang tiệm cận với mức thấp kỷ lục vào cuối tháng 8 vừa qua.
Hơn nữa, tỷ giá USD/BRL giảm mạnh 1,59% trong tuần qua đã phần nào hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil do thu về ít ngoại tệ. Trong khi, tin đồn về việc Việt Nam hạn chế bán cà phê vụ mới với kỳ vọng giá cao hơn vẫn nhận được sự chú ý của thị trường.
Giá cà phê của Việt Nam hiện vẫn neo ở mức cao |
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (25/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giữ ổn định so với hôm qua. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 67.200 – 68.000 đồng/kg.
Giá cà phê thời gian tới được nhận định có khả năng quanh quẩn ở mức tốt, trong khoảng 60.000-70.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sang tháng 4 và 5/2024 khi Indonesia, và sau đó là Brazil vào vụ thu hoạch, giá cà phê khả năng sẽ giảm nhiều so với lúc này.
Đầu vụ mới, cà phê nhân đã được chào bán ở mức 60.000 đồng/kg, giao từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 – mức giá chưa từng có ở thời điểm đầu vụ do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp. Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử, không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp FDI cũng mua cà phê non (mua trước khi thu hoạch). Đặc biệt, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu đều đang rất lo lắng là nếu như trong năm 2023, đến tháng 6 Việt Nam đã không còn cà phê để mua, thì sang năm 2024, có thể đến tháng 5, thậm chí là tháng 4 đã hết hàng.
Theo Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện châu Âu tiêu thụ khoảng 40-50% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam và khu vực này vẫn đang có nhu cầu tốt.
Ngoài ra với quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, hiện gần như chỉ có Việt Nam thu hoạch loại cà phê này, nên đây cũng là lợi thế giúp giá cà phê Việt Nam bán ra ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp nhận định giá cà phê robusta được giao dịch trên sàn London lên đến 3.000 USD/tấn vừa qua là mức cao kỷ lục trong hàng chục năm qua.
Do lượng hàng tại các nước hiện còn không đáng kể, nên thị trường châu Âu đang rất cần cà phê Việt Nam, ít nhất đến tháng 4 khi Indonesia và Brazil vào vụ thu hoạch mới. “Mọi người đều đang rất lo lắng về điều này. Nếu tất cả đổ dồn về Việt Nam để mua cà phê nguồn cung sẽ rất căng thẳng. Do đó, dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng và có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024” – ông Nam dự báo. Chính vì vậy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không bán xa vì sợ không mua được hàng, dẫn tới rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nguồn cung căng thẳng, ngành cà phê Việt Nam cũng đang tập trung nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU. Hiện các nhà rang xay lớn của thế giới như JDE, Nestle, Tchibo… đang phối hợp với các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp… để xây dựng các chương trình cà phê bền vững cũng như cam kết tăng mạnh sản lượng cà phê có chứng nhận trong các năm tới.