Bên cạnh việc quan tâm huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, việc hỗ trợ người dân sử dụng nước sạch cũng là một nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Với hơn 42% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân tộc được cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm nâng cao đời sống cho người dân, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giúp đồng bào dân tộc yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Những năm qua, huyện Tam Đảo đã triển khai nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có chương trình hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, địa phương này được đầu tư xây dựng 25 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã Đạo Trù, Yên Dương, Bồ Lý, Minh Quang, Hồ Sơn, thị trấn Đại Đình, từ đó góp phần cải thiện phần nào tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân.
Là 1 trong những địa phương được thụ hưởng chương trình, trên địa bàn xã Minh Quang đã được đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn Vực Lựu, Phô Cóc và Xạ Hương.
Để nâng cao số hộ sử dụng nước tại các công trình, ngay từ khi mới triển khai xây dựng, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn trong khu vực cụm cấp nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động qua hệ thống loa truyền thanh và lồng ghép trong các cuộc họp của thôn để nhân dân biết và tham gia đăng ký sử dụng.
Kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, các công trình đã góp phần quan trọng cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con tại địa phương.
Không chỉ riêng xã Minh Quang, từ việc đầu tư các công trình cấp nước tập trung, diện mạo kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã dần đổi thay và khởi sắc. Đến hết năm 2020, 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình cấp nước không còn hoạt động hoặc đã xuống cấp, hỏng hóc sau thời gian vận hành khiến người dân tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng, nhất là vào mùa khô.
Ông Đào Hồng Sáu – Chủ tịch UBND xã Minh Quang – cho biết, nhiều năm đưa vào khai thác và sử dụng, hiện, các công trình cấp nước trên địa bàn xã đã và đang xuống cấp, công suất hoạt động không còn đáp ứng nhu cầu thực tế.
Lãnh đạo xã Minh Quang bày tỏ mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, duy tu, cải tạo, sửa chữa đường ống, bể lọc và nâng công suất của các công trình nước sạch hiện có, đồng thời, đầu tư thêm các công trình cấp nước mới để kịp thời phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, đảm bảo tỷ lệ hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch theo quy định.
Qua rà soát, tỷ lệ hộ dân của 11 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (Tam Đảo); Trung Mỹ (Bình Xuyên); Ngọc Thanh (Phúc Yên); Quang Yên (Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch) được sử dụng nước sạch mới chỉ đạt từ 10 – 12%.
Để nâng cao tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung, hiện nay, một số địa phương như TP Phúc Yên đang phối hợp với Công ty Cổ phần Nước sạch Vĩnh Phúc đề xuất dự án cấp nước cho các thôn của xã Ngọc Thanh. Hay các huyện Tam Đảo, Lập Thạch đang phối hợp với một số doanh nghiệp để khảo sát, đề xuất phương án đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn.
Song, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đó là việc thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn, miền núi là rất khó khăn bởi nó liên quan đến cơ chế vận hành và chi phí, lợi ích của nhà đầu tư.
Do đặc thù các xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi rộng, dân cư sống phân tán, không tập trung dẫn đến việc đầu tư công trình khó khăn, số vốn đầu tư lớn, lợi nhuận thấp.
Trước thực tế này, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan quan tâm đầu tư cho các xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi các trạm xử lý nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế để các hộ dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được sử dụng nước sạch hoặc nâng cấp các trạm xử lý nước sạch sẵn có để cấp bổ sung cho các khu vực miền núi.
Đối với những xã, thị trấn không thể thực hiện xây dựng trạm cấp nước sạch, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị có cơ chế hỗ trợ khác để người dân vùng miền núi được dùng nước sạch đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch đạt trên 80% như cho vay vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ mỗi hộ gia đình hoặc nhóm hộ ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư hệ thống nước sạch.