Huyện Quản Bạ (Hà Giang), công tác chuyển đổi số đang được đẩy mạnh thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn để thanh niên không đứng ngoài xu thế này.
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển đổi số thuộc Tiểu dự án 2 thuộc dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những năm qua, Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm (huyện Quản Bạ) đã phát triển việc bán hàng online, nhờ vậy đã giúp hợp tác xã tăng doanh số bán hàng, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chị Lý Tà Dèn – Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm – cho hay trung bình mỗi tháng, hợp tác xã bán được khoảng 200 đơn hàng thông qua các sàn thương mại điện tử với doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm.
Theo đó, hợp tác xã quảng bá được hơn 20 sản phẩm từ dược liệu địa phương như: cao củ dòm, xịt xoang mũi, nước tắm dân tộc Dao, trà gừng, cao atiso, tinh dầu…
“Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về bán hàng trên sàn thương mại điện tử do Huyện đoàn tổ chức, chúng tôi đã biết cách bán hàng online, phục vụ khách hàng, cách đóng gói sản phẩm, xử lý các khiếu kiện từ khách hàng, các chiến lược bán hàng, marketing… Nhờ vậy, các sản phẩm của hợp tác xã ngày càng được người tiêu dùng ở khắp nơi tin dùng, số lượng các đơn đặt hàng cũng dần tăng lên“, chị Dèn thông tin.
Không chỉ có các hợp tác tham gia quảng bá sản phẩm địa phương trên mạng xã hội, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Quản Bạ cũng bắt nhịp với chuyển đổi số. Nhiều đoàn viên, thanh niên ứng dụng công nghệ 4.0 để quảng bá sản phẩm, văn hóa, phong tục địa phương.
Chị Chảo Thị Lan – đoàn viên, thanh niên xã Cao Mã Pờ – bên cạnh công việc là giáo viên và Bí thư chi đoàn, chị còn tham gia bán hàng online trên facebook.
Mặt hàng chị bán là bài thuốc quý của dân tộc Dao dùng cho phụ nữ sau sinh, nhờ áp dụng mạng xã hội để bán hàng mà bài thuốc của dân tộc Dao đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành biết đến và tin dùng.
Hiện nay, toàn huyện Quản Bạ có 28 sản phẩm đã đạt sao OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, dược liệu, sản phẩm lưu niệm và dịch vụ du lịch.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một số sản phẩm xuất khẩu, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng.
Góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá sản phẩm địa phương là các đoàn viên, thanh niên đã ứng dụng cộng nghệ 4.0 để quảng cáo các sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm.
Theo anh Viên Xuân Tùng – Bí thư Huyện đoàn Quản Bạ, thực hiện hỗ trợ đoàn viên, thanh niên áp dụng chuyển đổi số vào khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, Huyện đoàn đã phối hợp với các cơ quan tổ chức tập huấn cho đoàn viên, thanh niên về quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Đồng thời, tìm hiểu thêm về các sàn thương mại điện tử để hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, Nhân dân mở gian hàng online trên nền tảng số.
Bí thư Huyện đoàn Quản Bạ đánh giá, đây là giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, điện thoại thông minh và internet tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kết nối các doanh nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số với các doanh nghiệp khác, với đại diện chính quyền và các chuyên gia tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, giúp tạo ra sự khác biệt và đẩy nhanh việc giảm nghèo tại địa phương.