Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva mới đây đã có cuộc gặp làm việc với bà Amy Pope, tân Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chúc mừng bà Amy Pope đảm nhận chức vụ quan trọng và là nữ Tổng giám đốc đầu tiên của IOM từ ngày 1/10/2023. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng tái khẳng định Việt Nam ủng hộ và cam kết thúc đẩy hợp tác với IOM trong thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về di cư (GCM); các Bộ, ban, ngành của Việt Nam luôn ưu tiên, quan tâm, phối hợp nhằm đảm bảo cách tiếp cận liên ngành trong giải quyết các thách thức về di cư. Có thể kể đến một số lĩnh vực hợp tác như bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư, đảm bảo sức khỏe và tiếp cận y tế của người di cư, nâng cao khả năng thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế về di cư trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, APEC.
Tổng giám đốc IOM bà Amy Pope hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu Việt Nam đạt được trong lĩnh vực di cư nói chung và trong thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về di cư (GCM) nói riêng. Nữ Tổng giám đốc IOM cho biết, nâng cao khả năng ứng phó, chống chịu với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai cho người di cư là ưu tiên hàng đầu cho các hoạt động của IOM trong thời gian tới. Bà cũng chia sẻ nhận thấy IOM và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác tại cả các cơ chế quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động di cư, gắn giải quyết các thách thức về di cư với thực hiện các mục tiêu phát triển, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ ngày 01/10/2023, bà Amy Pope chính thức nhậm chức, trở thành Tổng giám đốc nữ đầu tiên của IOM sau khi được các nước thành viên tín nhiệm bầu trong cuộc bầu cử tháng 6/2023. Các ưu tiên của bà Amy Pope trên cương vị Tổng giám đốc IOM bao gồm: tăng cường hỗ trợ người di cư và các nhóm dễ bị tổn thương bằng các biện pháp trên thực địa; đẩy mạnh sự tham gia, gắn kết của các nước thành viên và khu vực tư nhân trong đối phó với các thách thức liên quan đến di cư, khuyến khích các chính sách phù hợp với từng quốc gia thành viên; tận dụng hơn nữa hệ thống cơ sở dữ liệu của IOM; ưu tiên các thách thức về di cư liên quan đến biến đổi khí hậu trong chương trình thảo luận của IOM; và tiếp tục cải cách chương trình ngân sách của tổ chức quốc tế này.
Trước đó, vào tháng 8/2023, tại TP.HCM, IOM và Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã hoàn thành chuỗi Hội thảo Đánh giá giữa kỳ Kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 trong lĩnh vực bảo vệ nạn nhân.
Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Bà Park Mihyung khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương trong tăng cường quy chế phối hợp công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Bà Park Mihyung khẳng định IOM sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đối tác để đạt được các mục tiêu trong công tác phòng, chống mua bán người, trong đó có bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân; tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập, để vừa tối đa hóa các nguồn lực hiện có, đồng thời có thể đáp ứng toàn diện, cụ thể các nhu cầu của những người di cư trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Tại Hội thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin, hiện có 40 tỉnh đã thí điểm áp dụng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) với công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, Cục và IOM đang hợp tác xây dựng bộ công cụ sàng lọc cùng mô hình hỗ trợ hòa nhập, tập trung vào hỗ trợ sinh kế, cho nạn nhân bị mua bán và người di cư trong tình trạng dễ bị tổn thương.
Vi Minh