Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) của Đại học RMIT năm nay thu hút hơn 2.000 người, nâng tổng lượt khách tham gia lên 21.000 trong 5 năm tổ chức.
Sự kiện năm nay diễn ra trong tháng 11 và 12 tại TP HCM và Hà Nội. Hàng nghìn người tham gia đã cùng khơi dậy ý tưởng độc đáo, hưởng ứng sự giao thoa của nghệ thuật và khoa học dưới chủ đề “Trí tuệ và Công nghệ”.
Giáo sư Julia Gaimster – Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, kiêm trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết, các ngành công nghiệp sáng tạo như thời trang, điện ảnh, thiết kế game, đồ họa, nhiếp ảnh… là một động lực lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác tốt đẹp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và UNESCO cũng như tất cả các đơn vị sáng tạo đã và đang đồng hành để liên hoan này thành công hơn”, bà nói thêm.
Tại khuôn khổ VFCD 2023, ban tổ chức đã thực hiện nhiều hoạt động xoay quanh sự sáng tạo trong công nghệ. Trong đó, với triển lãm “Trí tuệ và Công nghệ”, người tham gia có thể trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (VR), tham gia trò chơi trực tuyến để khám phá truyền thống theo cách hiện đại, làm bài kiểm tra tính cách để xem bản thân tương thích với nhân cách nào.
Chuỗi sự kiện “Ngày toàn chơi” gồm ba nội dung chính: triển lãm “Xem Chơi”, tọa đàm “Nghe Chơi” và workshop “Làm Chơi”. Các hoạt động này đã tạo ra sân chơi cho các nhà sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành game tại Việt Nam.
Ban tổ chức cũng tổ chức hội thảo “Ngành quảng cáo Việt Nam: Tạo bản sắc riêng biệt”. Qua đây, các chuyên gia sáng tạo từ công ty quảng cáo, nhãn hàng như Dentsu Redder, Ki Saigon, Happiness Saigon, Rockstar, P&G Vietnam… và nhiều đối tác khác đã tham gia trò chuyện về việc tạo dấu ấn riêng cho ngành này tại thị trường nội địa.
Ngoài ra, VFCD 2023 có hội thảo chuyên đề “Kiến tạo di sản văn hóa – xã hội cho tương lai”. Các chuyên gia quốc tế về kiến trúc, nghệ thuật, thiết kế và nhiếp ảnh đã thảo luận về di sản tương lai đa diện của Việt Nam và những hành động có chủ ý ngày nay có thể định hình như thế nào.
Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam được khởi xướng từ năm 2019 bởi Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo. Hanoi Grapevine bảo trợ truyền thông và cố vấn tổ chức.
Qua 5 năm, liên hoan đã kiến tạo nền tảng mở, có tính tương tác cao để sinh viên, chuyên gia, nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật nói chung bắt kịp xu hướng trong lĩnh vực sáng tạo.
Nhìn lại hành trình này, Giáo sư Julia Gaimster nhận định, đây không phải là một đích đến rồi dừng lại. “Vai trò của chúng tôi là giữ vững đà phát triển và tiếp tục tạo cơ hội cho người trẻ hiểu được tác động, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp sáng tạo đối với nền kinh tế Việt Nam”, bà nói.
Nhật Lệ