Ông H.T.T.M, Phó trưởng phòng Khoa học-Công nghệ trường ĐH Q., vừa bị một nhóm giảng viên ‘tố’ là bằng tiến sĩ của ông do Southern California University (Mỹ) cấp, không nằm trong số các trường ĐH được Bộ GD-ĐT công nhận. Tuy nhiên, ông M. được phân công giảng dạy một môn trong chương trình cao học.
Đại diện Trường ĐH Q. cho hay khi tuyển dụng, nhà trường xác định ông M. người có kinh nghiệm giảng dạy và đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và bằng cấp, chỉ là ông chưa làm thủ tục công nhận văn bằng tại Trung tâm Công nhận văn bằng của Bộ GD-ĐT.
“Cách đây 3 năm, thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, ông H.T.T.M được phân dạy một môn cho một lớp cao học. Ông M. không được phân công hướng dẫn luận văn và chấm luận văn thạc sĩ. Từ đó đến nay, trường chỉ phân công ông M. dạy các lớp ĐH”, đại diện Trường ĐH Q. chia sẻ.
Theo quy định trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy bậc thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ.
Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH một trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Quy định chung trong luật là tiến sĩ dạy thạc sĩ, còn quy định cụ thể, chẳng hạn bằng tiến sĩ đó phải thuộc trường ĐH nào cấp, hay bằng tiến sĩ nước ngoài phải làm thủ tục công nhận văn bằng mới được tuyển dụng, thì chưa có”.
Vị trưởng phòng này cho rằng mỗi trường ĐH có cơ chế đảm bảo chất lượng riêng trên tinh thần nhà trường sẽ tự chịu trách nhiệm với người học, với xã hội về chất lượng.
“Vì thế, việc tuyển tiến sĩ từ một trường ĐH chưa có tên trong danh sách được Bộ GD-ĐT công nhận, hoặc tiến sĩ này chưa làm thủ tục công nhận văn bằng mà vẫn được bổ nhiệm hoặc phân công dạy cao học, là không sai quy định. Tuy nhiên, điều quan trọng là trường chịu trách nhiệm về việc đảm bảo chất lượng đào tạo”, vị trưởng phòng chia sẻ.
Trước đó, trong một bài viết trên Báo Thanh Niên về vấn đề những ai phải làm thủ tục công nhận văn bằng, đại diện Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết việc công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, hoặc cơ quan quản lý về nhân sự, hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng, chứ Bộ GD-ĐT không quy định tất cả những người có bằng tốt nghiệp nước ngoài đều phải làm thủ tục công nhận văn bằng.
Ngoài ra, Trung tâm Công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng cũng đã công bố danh sách các cơ sở giáo dục được công nhận, bảo đảm chất lượng tại các nước để người dân có thể tham khảo lựa chọn trường du học, hoặc các đơn vị cũng có thể tham khảo khi tuyển dụng. Nội dung này có dẫn link của các cơ quan chính thống có thẩm quyền về giáo dục ở nước ngoài đã công khai các cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng.