Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk cho biết biến đổi khí hậu đang gây ra những tình trạng khẩn cấp về nhân quyền tại nhiều quốc gia, đồng thời chỉ trích những thông tin sai lệch gây ra sự hỗn loạn và nhầm lẫn nhằm phủ nhận thực trạng biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc phiên họp Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ 54 tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Turk đã chỉ ra các minh chứng gần đây về cuộc khủng hoảng môi trường trên hành tinh, trong đó có tình trạng hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng, ô nhiễm quá mức và nguồn cung cấp nước đang nhanh chóng cạn kiệt ở Basra, Iraq.
Ông nhấn mạnh thiệt hại ngày càng gia tăng là “tình trạng khẩn cấp” về nhân quyền đối với Iraq và nhiều quốc gia khác.
Cụ thể, biến đổi khí hậu đang đẩy hàng triệu người lâm vào nạn đói, hủy hoại hy vọng, cơ hội, nhà cửa và tính mạng. Trong những tháng gần đây, nhiều cảnh báo đã liên tiếp trở thành hiện thực tang thương trên toàn thế giới. Do đó, thế giới cần hành động khẩn cấp ngay lúc này.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến thêm nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cho biết ông “bị sốc trước sự thờ ơ” khi số người di cư thiệt mạng ngày một tăng.
Thống kê cho thấy hơn 2.300 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên Địa Trung Hải trong năm nay, trong đó có hơn 600 người thiệt mạng riêng trong vụ đắm tàu ngoài khơi Hy Lạp hồi tháng 6 vừa qua.
Ngoài ra, ông Turk cũng chỉ trích “những lừa dối chính trị”. Ông nêu rõ với sự hỗ trợ của các công nghệ mới, các thông tin sai sự thật đang được đưa ra và phổ biến trên diện rộng nhằm gieo rắc hỗn loạn, gây nhầm lẫn và cuối cùng là phủ nhận thực trạng của tình trạng biến đổi khí hậu để đảm bảo lợi ích nhóm.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng hội nhập, hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã xây dựng và luôn thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.
Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hóa, ban hành một số luật, văn bản quan trọng để thúc đẩy, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhất quán đẩy mạnh thực hiện chủ trương từ “tham gia” thành “chủ động, tích cực tham gia” hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều thể chế đa phương, quốc tế, khu vực. K
hông chỉ tham gia với tư cách quốc gia thành viên, mà Việt Nam còn chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, cơ chế, phương thức hợp tác hiệu quả, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực bên ngoài trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
Trong hợp tác đa phương, Việt Nam đã ký kết và sớm phê chuẩn nhiều thỏa thuận lớn về biến đổi khí hậu, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, Nghị định thư Ky-ô-tô năm 1998, Thỏa thuận Pa-ri năm 2016…;
Việt Nam cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn về biến đổi khí hậu, như Diễn đàn biến đổi khí hậu Á – Âu năm 2011 hay phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” năm 2015…
Đồng thời, Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy các sáng kiến trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP). Tại các Hội nghị COP lần thứ 26 và 27, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trong hợp tác song phương, Việt Nam chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác, đối thoại với các quốc gia phát triển, nhận được nguồn vốn hỗ trợ lớn thông qua các tổ chức quốc tế, như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB),… Báo cáo về đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu tại Việt Nam năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 – 2019, Việt Nam đã nhận được khoảng 600 dự án quốc tế hỗ trợ ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu có tổng số vốn ước tính đạt 18,5 tỷ USD. Trong đó, tổng số nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đạt khoảng 1,1 tỷ USD, còn lại là vay ưu đãi. Tháng 12-2022, Việt Nam đã nhận được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ Anh, Mỹ, các nước EU hỗ trợ chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Vi Minh