Qua thống kê sơ bộ của Ủy ban Dân tộc, đến hết năm 2022 có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi do Chính phủ, Thủ tướng ban hành đang còn hiệu lực, trong đó có 136 chính sách dân tộc.
Nếu phân loại chính sách dân tộc theo vực kinh tế – xã hội sẽ bao gồm: 52 chính sách thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững; 25 chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; 9 chính sách thuộc lĩnh vực y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; 9 chính sách thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch; 3 chính sách thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh…
Phân loại theo cơ quan chủ trì quản lý, chỉ đạo chính sách: Ủy ban Dân tộc chủ trì quản lý, chỉ đạo 25 chính sách; các Bộ, ngành khác 111 chính sách.
Còn theo phạm vi đối tượng chính sách, bao gồm: 38 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 98 chính sách có nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh các chính sách của Trung ương, các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng ngân sách địa phương ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.
Ông Phạm Chí Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc – cho biết, hệ thống chính sách dân tộc hiện hành đã cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến công tác dân tộc.
Các chính sách cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc nhìn nhận, nhiều chính sách có mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, lần đầu tiên ở Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi đây là quyết sách lớn nhằm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho vùng này.
Ông Phạm Chí Trung nêu rõ, cơ chế chính sách có nhiều đổi mới theo hướng đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên tập trung đầu tư, hỗ trợ các địa bàn khó khăn nhất, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết nhất, chú trọng phát triển các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
Thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cơ chế kiểm tra, giám sát có sự tham gia của người dân. Hệ thống cơ chế chính sách bước đầu phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh của vùng, ý chí tự lực, tự cường của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững.
Theo ông Phạm Chí Trung, Nhà nước ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước giữ vai trò quyết định, được bố trí trung hạn và hằng năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của chính sách, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc bố trí cơ cấu vốn đầu tư và sự nghiệp hợp lý hơn, đảm bảo công khai, minh bạch; từng bước khắc phục tình trạng bố trí vốn không đầy đủ, thiếu kịp thời, đặc biệt là tình trạng không bố trí được vốn thực hiện các chương trình, chính sách đã ban hành.
Đại diện Ủy ban Dân tộc khẳng định, sự phối hợp giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ngày càng chặt chẽ.
Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; rà soát, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc của các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách dân tộc cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước.