Tôi hay đau đầu, thích ăn đồ ngọt. Tại sao mỗi lần ăn ngọt thì đau đầu nặng hơn, nên lưu ý gì? (Trần Hiệp, TP HCM)
Trả lời:
Đau đầu là tình trạng thường gặp. Cơn đau có thể nhẹ, âm ỉ hoặc kéo dài dai dẳng, dữ dội hàng giờ hoặc nhiều ngày. Khi đau đầu, người bệnh có thể có triệu chứng đi kèm như chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, buồn nôn, nhạy cảm khó chịu với âm thanh và ánh sáng.
Nguyên nhân đau đầu có thể do thứ phát (sau tổn thương thực thể như viêm não, đột quỵ, u não, tụ máu não, chấn thương, áp xe não) hoặc nguyên phát (thường gặp nhất là đau nửa đầu Migraine, do căng thẳng, mất ngủ, thiếu ngủ cấp tính).
Với đau đầu nguyên phát, cơn đau có thể khởi phát hoặc tăng nặng bởi các yếu tố nguy cơ như thời tiết, mệt mỏi, căng thẳng, cai sử dụng caffein hay chế độ ăn chưa phù hợp. Nhiều người nhận thấy đau đầu hoặc trở nặng hơn khi ăn một số loại thực phẩm cụ thể.
Bạn thường đau đầu nhiều hơn khi ăn đồ ngọt. Lý do là ăn đồ ngọt làm tăng đường huyết khiến mạch máu não co lại, căng cơ, dị ứng, tăng cảm giác kích thích, nôn nao.
Đường hóa học trong thức ăn, đồ uống có thể kích thích quá mức hoặc gây cản trở các dây thần kinh, căng cơ tăng, dẫn tới đau đầu, đau nửa đầu. Người bị dị ứng với các chất làm ngọt nhân tạo, chỉ cần uống một chút nước giải khát cũng có thể đau đầu.
Đa phần đường sử dụng trong chế biến thực phẩm là đường hóa học nhân tạo. Loại đường này thường có trong nước ngọt, kem, kẹo cao su, thức ăn chế biến sẵn… Một số loại thuốc có chứa đường hóa học aspartam. Lạm dụng đường còn dễ gây ra các bệnh của hội chứng chuyển hóa, nội tiết, tim mạch.
Đau đầu cũng dễ xảy ra hay tăng nặng khi lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Tăng đường huyết khiến các mạch máu trong não co lại dẫn đến đau đầu. Cơn đau có xu hướng nhẹ nhưng khi lượng đường trong máu tiếp tục tăng hoặc duy trì ở mức cao, đau đầu trầm trọng hơn, gây cảm giác nôn nao, kích thích.
Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường hoặc carbohydrate trong một lần, tuyến tụy hoạt động mạnh để tạo ra insulin giúp phân hủy đường, điều chỉnh lượng đường trong máu. Lúc này, lượng đường trong máu giảm đột ngột, hạ đường huyết. Đường huyết giảm thấp cũng gây đau bụng, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi, choáng váng, thay đổi tâm trạng và đau đầu.
Bạn nên hạn chế hoặc tránh dùng các món ăn hay thức uống ngọt khi gặp tình trạng này. Thực phẩm giàu tinh bột, carbohydrate cũng cần hạn chế. Ưu tiên rau củ quả, ngủ đủ giấc. Một số tinh chất thiên nhiên như từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) giúp trung hòa gốc tự do, tăng máu lên não, cải thiện đau đầu.
Nếu cơn đau đầu kéo dài hoặc tăng nặng, bạn nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh để được đánh giá, can thiệp cụ thể.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |