Theo nhiều chuyên gia, mỗi cá nhân hãy tự bảo vệ dữ liệu của mình, học được cách phân loại những thông tin nào có thể chia sẻ lên mạng xã hội, biết cách trao quyền hoặc rút lại các quyền về dữ liệu khi cần thiết.
Theo các chuyên gia, để làm trong sạch mạng xã hội cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người sử dụng. (Ảnh minh họa) |
Hệ lụy khi người trẻ phụ thuộc vào Internet
Theo We Are Social, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đến nay là 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Thậm chí, kết quả một số điều tra cũng cho thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội.
Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 6/2023, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 78,59%, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (76%), số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam năm 2022 là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số).
Với con số này, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày lên tới 94%.
Không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người, giúp kết nối, cập nhật thông tin, kiến thức và nhiều tính năng khác trong hoạt động kinh tế, xã hội. Vì thế, cuộc sống của chúng ta trở nên hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn. Tuy nhiên, nguy cơ nằm ở chỗ văn hóa trong môi trường mạng. Có thực trạng người dùng truy cập vào những nội dung không lành mạnh, không phù hợp, nội dung độc hại. Chính vì vậy, việc quản lý thông tin trên mạng, trong đó quản lý người dùng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thực tế, khi sống và phụ thuộc quá nhiều vào Internet sẽ có những vấn đề, hệ lụy xảy ra. Những hiện tượng lừa đảo, bắt nạt trên mạng, đánh cắp thông tin, tài khoản để trục lợi diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trong bối cảnh nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân rõ hơn, ngày càng nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch sang môi trường số, theo các chuyên gia việc quản lý và định danh tài khoản số càng trở nên quan trọng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” quy định nhiều nội dung cụ thể, chi tiết về hành vi ứng xử cũng như chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên không gian mạng, khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch sang môi trường số, việc quản lý và định danh tài khoản số sẽ giúp các quy định pháp luật được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Đồng thời, khiến người dùng mạng xã hội có trách nhiệm hơn đối với mỗi phát ngôn, đăng tải hay bình luận của mình.
Điều chỉnh bắt đầu từ người sử dụng
Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân là hãy tự bảo vệ dữ liệu của mình. Đồng thời, học được cách phân loại những thông tin nào có thể chia sẻ lên mạng xã hội và những thông tin nào không, biết được cách trao quyền hoặc rút lại các quyền về dữ liệu khi cần thiết.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh. (Ảnh: NVCC) |
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Le Invest Corporation cho rằng, văn hóa mạng xã hội cũng giống như cuộc sống thực. Cuộc sống thực diễn ra như thế nào thì trên mạng xã hội cũng diễn ra như thế, chỉ có điều mạng xã hội tác động sâu hơn đời thực.
Ông Vinh cho hay, các nhà đầu tư, các nhà sở hữu mạng xã hội cũng có trách nhiệm theo dõi, phát hiện những hành vi lệch chuẩn, sản phẩm độc hại để có giải pháp triệt tiêu.
“Nhà nước đưa ra các chính sách, chế tài và yêu cầu các nhà mạng thường xuyên kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm độc hại là một phần nhưng quan trọng hơn cả vẫn là đầu tư vào con người. Người sử dụng mạng xã hội mới cần phải điều chỉnh”, ông Lê Quốc Vinh nói.
Bởi những ứng xử không hợp lý, gây ảnh hưởng xã hội trên không gian mạng lớn hơn nhiều so với cuộc sống thực. Cho nên, việc điều chỉnh văn hóa ứng xử một cách tử tế trên mạng xã hội là điều cần thiết, quan trọng và nhất định phải làm.
“Để làm trong sạch không gian mạng, rất cần các cơ quan chức năng mạnh tay hơn, xử lý nghiêm minh hơn. Hơn thế, quan trọng nhất là tạo ý thức, nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi người trong việc sử dụng mạng xã hội”, chuyên gia Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 vừa qua, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, đối với vấn đề tin sai sự thật và tin giả, ASEAN đã đưa ra nhiều tuyên bố và hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về tác hại như: các chương trình, hội thảo chia sẻ chính sách quản lý, xử lý tin giả; các chiến dịch nâng cao hiểu biết số cho người dân để tăng cường hiểu biết và học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử. Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng, tạo không gian trao đổi mở giữa các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, nền tảng xuyên biên giới và các bên liên quan. Việc này nhằm khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN trong giảm thiểu tác hại của tin giả, hướng đến nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân. |