Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, Tây Ninh liên tục đẩy mạnh nhiều chính sách an sinh xã hội. Trong 3 năm 2021-2023, tình đã cấp trên 40.700 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông lâm, ngư nghiệp…
UBND tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại lễ sơ kết, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh – cho biết, trong giai đoạn thực hiện chuẩn nghèo đa chiều (2021-2025), Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước, công tác giảm nghèo khó khăn hơn…
Tuy nhiên, xác định hoạt động chăm lo cho người nghèo là một nghĩa cữ cao đẹp, nhân văn, là trách nhiệm xã hội, tỉnh Tây Ninh thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, chính sách. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đa dạng, đa ngành nghề như nông nghiệp, chăn nuôi, phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Công tác giảm nghèo trên địa bàn đã đạt được nhiều thành tựu.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hộ nghèo của Tây Ninh đã giảm dần qua các năm, từ 1,83% năm 2021, 1,09% năm 2022 và đến năm 2023 còn 0,67%. Trong giai đoạn 2021-2023, phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp.
Một số chính sách có hiệu quả rõ rệt và được triển khai mạnh mẽ, đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho người dân, như chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay trên 294 tỷ đồng.
Chính sách an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh. Tỉnh đã cấp trên 40.700 thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông lâm, ngư nghiệp.
Người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách còn được hưởng các chính sách như hỗ trợ tiền hàng tháng, tiền điện sinh hoạt, tiền tết với tổng kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng.
Trong 3 năm qua, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo 3 cấp đã vận động trên 67,9 tỷ đồng. Từ nguồn vận động, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây mới và bàn giao 708 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sửa chữa 96 căn nhà. Trong dịp Tết, Ban vận động quỹ các cấp đã vận động trao 217.000 phần quà Tết, tiền mặt cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ quà Tết cho người nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, vượt khó trong học tập; hỗ trợ vốn cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, thống kê đến tháng 11, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt, thẩm định trên 95 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với hơn 845 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng), người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án, tổng kinh phí trên 20,3 tỷ đồng.
Tỉnh đã thẩm định 53 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 337 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật tham gia, tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng; phê duyệt, thẩm định các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và hỗ trợ việc làm bền vững với kinh phí hơn 1.477 tỷ đồng…
Để từng bước giảm nghèo bền vững, tỉnh Tây Ninh cũng xây dựng các chương trình, đề án giảm nghèo gắn với thực chất như: Đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản với 1.003 con trâu, bò, trị giá gần 24 tỷ đồng đã được trao cho các hộ nghèo; Dự án hỗ trợ vốn hoàn lại (500 triệu đồng) và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho 30 hộ đồng bào dân tộc…
Tại buổi sơ kết, ông Võ Đức Trong cũng lưu ý dù đã có một số thành tựu, song công tác giảm nghèo vẫn có nơi còn chưa tốt. Các địa phương cần sâu sát, tìm hiểu để nắm bắt nhu cầu, tâm tư của đối tượng để đề xuất, xây dựng được những mô hình thật sự phù hợp với nhu cầu, năng lực của người nghèo. Từ đó mới giúp họ có căn cơ vững chắc để phát triển đi lên.
Hải Anh