Ủy ban Thường vụ Quốc thống nhất việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới.
Căn cước công dân gắn chip. (Ảnh minh họa)
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Thông báo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các nguyên tắc lập dự kiến Chương trình năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023; đồng thời, đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu về dự kiến Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí và công tác thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội.
Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định bổ sung các dự án này vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự thảo Nghị quyết về Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung đồng thời với việc xem xét đề nghị bổ sung các dự án này vào Chương trình Kỳ họp thứ 5 tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 và phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023).
Về 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, bao gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 4 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ theo quy trình tại một kỳ họp; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đối với 9 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 8, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và xem xét thông qua 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
Đối với dự án Luật Bản dạng giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế làm việc với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí về việc tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến của Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, trong đó cần làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và tên gọi của luật, nội dung các chính sách, các vấn đề liên quan, thời gian trình, chủ thể trình…, tiếp tục gửi xin ý kiến Chính phủ và Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật có ý kiến thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ đại biểu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với dự án Luật Dân số (sửa đổi), đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024.
Theo Báo Nhân Dân